Ngoài thành lập cơ quan cấp sở để quản lý an toàn thực phẩm, TP HCM còn triển khai một loạt giải pháp để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” tuồn vào thành phố để tiêu thụ, nhất là các chợ tự phát.
Chợ tự phát bủa vây chợ đầu mối
Hai chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) nằm ở vị trí cửa ngõ trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây vào TP HCM tiêu thụ. Thế nhưng, từ nhiều năm qua tình trạng chợ tự phát đã bủa vây các chợ đầu mối nhưng các ban, ngành chức năng TP HCM chưa thể xử lý dứt điểm.
Ông Phan Thành Tân - Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Ban quản lý (BQL) của chợ là tình trạng buôn bán tự phát diễn ra phức tạp. Nhiều tuyến đường xung quanh, như Quản Trọng Linh, Nguyễn Văn Linh,… hình thành các chợ tự phát vào ban đêm lấn chiếm hành lang vỉa hè, lòng đường. Các loại hàng hóa chủ yếu là rau, củ, quả các loại, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán, thậm chí “phá giá” rất rẻ so với hàng hóa tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền.
Theo đại diện BQL chợ, thực trạng chợ tự phát “bủa vây” đã ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại đối với các tiểu thương chân chính đăng ký hoạt động kinh doanh trong các khu vực nhà lồng của chợ đầu mối Bình Điền. Tương tự, nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn cũng “than trời” vì hoạt động kinh doanh, buôn bán tự phát xung quanh. Hiện tại, hầu hết các tiểu thương tại cả 2 chợ đầu mối của TP HCM đều phải đóng thuế cho nhà nước định kỳ, các mặt hàng thường xuyên phải tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, những người buôn bán tự phát không phải đóng thuế, nguồn gốc và chất lượng hàng hóa cũng không được kiểm soát, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Theo ông Lê Văn Tiển - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, ngay khi Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM chính thức hoạt động (từ ngày 1/1/2024), BQL chợ này đã kiến nghị Sở ATTP thành phố và các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các chợ tự phát nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng trong công tác ATTP, đồng thời nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về ATTP, ngăn chặn hàng hóa không truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Không chỉ hoạt động tự phát, theo ông Tiển, nhiều người mua hàng bên ngoài chợ, sau đó lại “đổ hàng” cho chợ đầu mối bán hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP. Vì tình trạng này, BQL chợ đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện.
Quyết liệt kiểm tra, xử lý
Đầu năm 2024, Đoàn công tác của thành phố do ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP HCM và lãnh đạo Sở ATTP đã đến kiểm tra, khảo sát chất lượng ATTP tại các chợ đầu mối Bình Điền và chợ Hóc Môn.
Đoàn công tác đã ghi nhận tình trạng buôn bán tự phát xung quanh khu vực các chợ đầu mối. Đồng thời, lắng nghe đại diện BQL các chợ và tiểu thương phản ánh về tình trạng chợ tự phát đã và đang gây khó khăn cho công tác bảo đảm ATTP của từng chợ.
Ông Lê Minh Hải - Phó Giám đốc Sở ATTP TP HCM cho biết, Sở đã triển khai hàng loạt các giải pháp trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến các cơ sở sản xuất - kinh doanh về việc đảm bảo ATTP, Sở ATTP sẽ triển khai nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra thực hiện thường xuyên, quyết liệt, đảm bảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân. Sở này cũng đã thành lập 11 đoàn, thực hiện thanh, kiểm tra toàn thành phố đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Được biết, ngay sau khi kiểm tra các chợ đầu mối đầu năm 2024, đoàn đã chỉ đạo, lưu ý quận 8 và huyện Hóc Môn phối hợp với ngành chức năng để kiểm soát giá cả, ATTP của hàng hóa tại từng địa phương, từng chợ đầu mối. Riêng BQL các chợ đầu mối phải chuẩn bị nguồn lực hàng hóa, kiểm tra giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ hoặc ghim hàng để làm biến động giá cả. Đồng thời, trước vấn nạn chợ tự phát, đại diện lãnh đạo TP HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng từng địa phương cần có giải pháp xử lý các tồn tại và báo cáo UBND thành phố.