Dù nhiều nỗ lực ngăn chặn, triệt phá, nhưng tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, tràn về các địa phương. Không ít người vay tín dụng đen đã bị biến thành những “chị Dậu mới”. Cuộc chiến với tín dụng đen vẫn còn rất cam go, tuy nhiên chủ trương đơn giản thủ tục cho vay của ngân hàng cũng như thực hiện gói tín dụng cho người nghèo được xem là một lối mở quan trọng.
Biếm họa: Dũng Choai.
Lan rộng các tỉnh thành
Theo Bộ Công an, hiện cơ quan công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm, hơn 800 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê trên phạm vi cả nước. Hoạt động cho vay tín dụng đen vẫn được ví như vòi bạch tuộc vươn rộng ra các vùng sâu, các tỉnh thành.
Tại Bình Dương, năm 2018 cơ quan chức năng đã ngăn chặn và xử lý 5 vụ lợi dụng uy tín của các ngân hàng thương mại để tiến hành các hành vi, thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Tại Đồng Nai, cũng trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 10 vụ, 27 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, xác định được khoảng hơn 130 người là nạn nhân của các hình thức cho vay nặng lãi. Thống kê của Công an TP HCM cho thấy, năm 2018 đã phát hiện và xử lý 60 nhóm, hơn 320 đối tượng vi phạm hoạt động tín dụng trái pháp luật tại địa bàn.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và đời sống của người dân. Cụ thể, Công an tỉnh Đăk Nông cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ (có 165 cơ sở có Giấy phép đăng ký kinh doanh), trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Qua rà soát của Công an tỉnh, phát hiện trên địa bàn có 4 nhóm với 27 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen.
Phần lớn các đối tượng cho vay tín dụng đen sử dụng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức để thu hút người vay như: Vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay…song trên thực tế thì người vay phải trả lãi suất rất cao (từ 282-365%/năm), nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Hình ảnh các tờ giấy ‘cho vay không cần thủ tục’ được bắt gặp ở nhiều ngõ hẻm, đường cùng.
Khi có người vay, các đối tượng cho vay nặng lãi có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như: Đe dọa, khủng bố về tinh thần, sử dụng vũ lực, đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của người vay, tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép, thuê người các đối tượng hình sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đe dọa, gây sức ép…
Có hai nhóm đối tượng chính thường tìm đến tín dụng đen. Đó là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá... Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống. Đặc biệt ở nhóm đối tượng thứ 2, vẫn còn tâm lý e ngại khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng nên đã tìm đến các đối tượng cung cấp tín dụng đen.
Tín dụng đen đã tồn tại hàng chục năm. Nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi đã bị triệt hạ, bị truy tố, vào tù. Nhưng vòi bạch tuộc của chúng vẫn rất ghê gớm. Lợi nhuận khổng lồ của hình thức cho vay ngầm này khiến vòi bạch tuộc tín dụng đen chặt chỗ này lại mọc chỗ kia. Một số ý kiến cho rằng sở dĩ tín dụng đen vẫn hoành hành còn là do các chế tài xử lý đối với các đối tượng này chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe; sự vào cuộc của chính quyền chưa đúng mức...
Bẫy tín dụng đen len lỏi vào các khu dân cư.
Triển khai tín dụng cho người nghèo
Khi nguồn vốn chính thống không đến được người dân, đặc biệt là vốn thiếu tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì người dân phải sử dụng vốn vay từ hoạt động tín dụng đen. Chưa kể còn có những thực trạng đáng buồn hơn, người dân ban đầu vay nợ ngân hàng, nhưng mất mùa thất bát, nợ ngân hàng không được gia hạn, người dân phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen trả lãi ngân hàng.
Tại cuộc họp mới đây về đẩy lùi tín dụng đen, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu ưu tiên mở rộng mạng lưới tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng cũng như đẩy mạnh công tác huy động vốn trong các tầng lớp dân cư; khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với các hội đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh hoạt động cho vay tín chấp thông qua tổ vay vốn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục, quy trình cho vay; áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng…
Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty này, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về qui mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất,… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động; tăng cường vai trò trách nhiệm, quyền hạn của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân.
Sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân. Nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm…
Bên cạnh đó nghiên cứu để đưa ra thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất sửa đổi, nâng mức cho vay kéo dài thời gian cho vay phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo giới chuyên gia, các tổ chức tín dụng thiết kế có các sản phẩm tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản. Đặc biệt ngành Ngân hàng sẽ cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới hoạt động ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.
* Để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu ưu tiên mở rộng mạng lưới tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng cũng như đẩy mạnh công tác huy động vốn trong các tầng lớp dân cư; khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với các hội đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh hoạt động cho vay tín chấp thông qua tổ vay vốn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục, quy trình cho vay; áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng…Bên cạnh đó nghiên cứu để đưa ra thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất sửa đổi, nâng mức cho vay kéo dài thời gian cho vay phù hợp đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.