Dù các ngân hàng đã tích cực đưa ra nhiều dịch vụ để mọi người tiếp cận được nhưng thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Dụ dỗ vay tiền
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nhu cầu tín dụng của bà con hiện tại rất lớn, nhưng chưa thể tiếp cận nhiều với ngân hàng. Nhiều bà con nghĩ đến ngân hàng là rất khó khăn, nhiều thủ tục. Trong khi đó lại có nhiều người lợi dụng việc bà con chưa hiểu biết đầy đủ để cho vay với lãi suất “cắt cổ”, khiến cho bà con rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen vẫn đang sống rất khoẻ. Các đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi đánh trúng tâm lý của đa số người tìm đến tín dụng đen thường đang trong cảnh túng quẫn, suy nghĩ không thấu đáo. Người dân gặp các chiêu trò dụ dỗ về thủ tục vay hết sức đơn giản so với các tổ chức chính thống đã bị sa bẫy rất nhanh..
Nhiều trường hợp do cần vốn gấp, người vay sẵn sàng ký vào các hợp đồng “núp bóng” khác nhau như: Hợp đồng nhận tài sản, nhận tiền xin việc…, thậm chí, các đối tượng dùng các ứng dụng công nghệ (app) trên điện thoại để lừa đảo người vay với lãi suất lên tới vài trăm %/năm.
Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Đội Trọng án Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phân tích, để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng tường tụ tập, cư ngụ một nơi nhưng tổ chức hoạt động ở những địa phương khác, sau khi thực hiện hành vi cho vay, các giấy tờ, hợp đồng này được cất giấu ở một địa điểm. Thường là những khu nhà chung cư có bảo vệ, sử dụng thẻ từ, camera theo dõi để tránh sự theo dõi, tiếp cận, kiểm tra của lực lượng Công an, định kỳ các đối tượng rà soát các giấy tờ, hợp đồng đã trả nợ xong thì tiêu hủy, phi tang nhằm tránh bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ.
Nếu các con nợ không trả nợ đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng giang hồ bên ngoài tổ chức đe doạ đòi nợ.
Tính đến 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen) ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Lãi suất lên 1.400%/năm
Theo Trung tá Vương, có 4 đặc điểm nhận diện tín dụng đen, trong đó, 2 đặc trưng nhất của tín dụng đen là lãi suất cho vay cắt cổ và hành vi thu hồi nợ côn đồ.
Về lãi suất, theo Điều 468 Bộ luật Dân sự, trần lãi suất cao nhất là 20% (trừ trường quy định hợp pháp luật liên quan quy định khác). Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định lãi suất vượt quá 05 lần lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự (được hiểu là 100%/năm), thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự….Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt hành vi cho vay lãi nặng của các cơ sở kinh doanh cầm đồ. Tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hay hình sự.
“Tuy nhiên, hiện nay lãi suất trong tín dụng đen thường rất cao, có khi lên đến 300 – 700%/năm. Thậm chí, một số mô hình cho vay qua mạng lãi suất lên 1.400%/năm, cao gấp 700 lần quy định” - Trung tá Vương cho hay.
Ngoài lãi suất cắt cổ, tín dụng đen còn gắn với các hành vi đòi nợ côn đồ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, huy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.
Bên cạnh đó, thủ đoạn sử dụng người tàn tật (thương binh giả) đòi nợ thuê vẫn diễn ra. nhiều người giả danh thương binh tham gia nhiều hoạt động trong đó có hoạt động đòi nợ thuê, số người này thường tụ tập theo nhóm theo yêu cầu của người thuê, đến nhà người nợ tiền để gây sức ép dưới nhiều hình thức khác nhau gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Hoàn thiện phương án mở rộng cho vay tiêu dùng
Để đẩy lùi tín dụng đen, phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước cũng như giới chuyên gia khẳng định, phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến; đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid 19; Ngân hàng Nhà nước cho biết đang hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thiện phương án mở rộng cho vay tiêu dùng; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa tổ chức hình thức cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Trần Lan Phương cho biết, Ngân hàng này đang có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… theo quy định của Chính phủ.
Hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức. Để siết nợ, các chủ nợ thuê các đối tượng xăm trổ, có tiền án tiền sự hoặc các công ty đòi nợ thuê.Nhiều công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ mặc dù bên ngoài hoạt động hợp pháp, số ít nhân viên có hợp đồng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nhưng số nhân viên không chính thức, không ký hợp đồng hoặc liên kết, thuê hoặc đứng đằng sau là các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các đối tượng có tiền án tiền sự để thực hiện các hành vi đòi nợ.