Những ngày này, một lần nữa toàn dân lại cùng Đảng, Nhà nước vào cuộc chiến dập dịch Covid-19. Khẩn trương, quyết liệt nhưng không hốt hoảng. Nhưng cũng chính lúc này lại vẫn có kẻ tung tin xấu, độc hại về tình hình dịch bệnh, nhằm mục đích gây hoảng loạn xã hội. Đây cũng là thời điểm Tết Nguyên đán đã đến gần, một số đối tượng thừa cơ nâng giá, cũng như lúc bọn tội phạm liều lĩnh “kiếm ăn”.
Xử lý nghiêm những kẻ tung tin xấu độc
Ngày 29/1, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) phát hiện thông tin “TP Hà Nội sắp bị phong tỏa do Covid-19” lan truyền trên mạng xã hội. VAFC khẳng định đây là tin giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội.
VAFC cũng cho biết, trước đó, ngày 5/8/2020, tài khoản mạng xã hội Facebook tên “Huy Hung” đã đăng tải bài viết với nội dung “Khẩu trang tái chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi có chứa Covid. Bà con cẩn thận khi mua”.
Tuy nhiên, với mục đích “tạo sự tin cậy của thông tin”, các hình ảnh đó được lấy từ bài viết “Hình ảnh cửu vạn nườm nượp cõng hàng lậu vượt biên trái phép” của một tờ báo điện tử đăng vào thời điểm chưa có dịch (ngày 16/1/2019) - theo VAFC.
Thực tế cho thấy cả hai thông tin trên đều là thông tin xấu, sai sự thật, độc hại. Thông tin thứ nhất, Hà Nội sắp bị phong tỏa”, thì tới nay vẫn không có chuyện gì xảy ra; còn tất nhiên Hà Nội cũng như các địa phương mới phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong đợt này phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch là lẽ đương nhiên.
Thông tin thứ hai, tuy cũ nhưng cũng cần thiết nhắc lại đó là sự bịa đặt vô lối. Ai cũng biết, suốt năm qua, để phòng chống Covid-19 nhiều đơn vị may trong cả nước đã tập trung may khẩu trang để cung cấp đủ và kể cả dự phòng. Người dân dễ dàng mua được khẩu trang chuẩn, giá rẻ. Không những thế, Việt Nam còn tặng một số quốc gia khẩu trang để chống dịch. Vậy thì cần gì phải nhập khẩu trang tái chế từ bên ngoài?
Đáng tiếc rằng, những thông tin vô lý ấy vẫn lan truyền trên mạng, trong không khí căng thẳng chống dịch bệnh thì không ít người đã tưởng thật mà không kịp phân tích cũng như kiểm chứng thông tin.
Những ngày này, diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp, với số ca lây lan trong cộng đồng nhiều nhất kể từ đầu mùa dịch. Nhưng chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt 1 năm chống dịch. Và lần này, quyết tâm của Chính phủ càng lớn hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì chúng ta quyết tâm dập tắt dịch trong vòng 10 ngày (kể từ ngày 28/1). Chính phủ quyết tâm như thế, ngành Y tế tập trung nhân lực như thế, các địa phương có ca lây nhiễm đã thần tốc xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly như thế thì lý nào dịch không sớm bị dập tắt.
Bình tĩnh không lung lạc trước những tin xấu, độc hại và càng không phát tán những tin ấy, đó chính là trách nhiệm công dân của mỗi một người. Nhưng, cùng đó người dân cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm ra những kẻ tung tin độc hại và nững kẻ đó phải bị xử lý nghiêm khắc.
Xì xào tăng giá
Thời điểm dồn lực chống dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng cũng là lúc Tết Nguyên đán cận kề. Một số đối tượng lợi dụng cả dịch lẫn Tết để tăng giá, đầu cơ trục lợi. Cho đến nay, ngay cả những nơi dịch căng thẳng nhất (Đông Triều - Quảng Ninh; Chí Linh - Hải Dương) thì các loại hàng hóa thiết yếu vẫn dồi dào, giá cả của hầu hết các mặt hàng dân sinh không tăng. Vậy mà vẫn có những xì xào tăng giá.
Chính vì thế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Bắc, thực hiện ngay nhiều biện pháp cấp bách ổn định thị trường. Trong đó có việc tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế... dùng để phòng, chữa bệnh.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Còn nhớ, trong đợt chống dịch trước, ngày 7/3/2020 khi Hà Nội công bố dịch, cũng do tin đồn mà người dân ùn ùn kéo tới siêu thị mua vét hàng. Nhưng ngay lập tức, lãnh đạo thành phố đã tuyên bố: Không để người dân Thủ đô thiếu bất cứ mặt hàng gì. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Thì nay, chắc chắn thị trường sẽ vẫn ổn định. Tất nhiên, để có được điều đó thị trước hết lực lượng QLTT phải làm việc tốt hơn nữa.
Đề phòng kẻ gian
Ngày 29/1, Công an TP Hồ Chí Minh đã có cảnh báo khẩn về việc một số đối tượng làm liều ngày cận Tết. Cụ thể, ngày 29/1, Đội Cảnh sát PCCC-CNCH Công an quận 10 (TP HCM) cho biết đơn vị thông báo rộng rãi đến người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về sự việc một số đối tượng mạo danh cán bộ công an để lừa đảo.
Lợi dụng những thay đổi về chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến phòng cháy và chữa cháy, một số đối tượng tự xưng cán bộ Đội Cảnh sát PCCC-CNCH Công an quận 10 để gọi điện đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Các đối tượng này thông báo Công an quận 10 chuẩn bị mở lớp tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định mới. Lớp học diễn ra ở hội trường Đội Cảnh sát PCCC-CNCH Công an quận 10. Các đối tượng giả mạo yêu cầu các cơ sở kinh doanh đóng 800.000 đồng qua bưu điện.
Đối tượng lừa đảo cho biết đây là lệ phí mua tài liệu tập huấn. Hoàn thành khóa học, các cơ sở nhận giấy chứng nhận theo quy định. Kẻ lừa đảo hù dọa nếu không tham gia lớp học, các cơ sở sẽ bị phạt hành chính khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra. Số điện thoại đối tượng lừa đảo thường sử dụng: 0964.305.169, 0985.665.423, 0983.314.111, 0975.806.402.
Có nghĩa là gần Tết, để “kiếm ăn”, đối tượng xấu càng trở nên liều lĩnh.
Nói những điều này cũng là mong muốn của người dân đối với cơ quan chức năng: Chặn bằng được thông tin xấu độc về dịch bệnh; Không để tăng giá nững mặt hàng thiết yếu; và kiên quyết xử lý bọn tội phạm định “đục nước béo cò”.