Mua sắm online hiện đã rất phổ biến, càng về cuối năm càng nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, rất khó kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, nhất là hàng hóa bán qua các mạng xã hội khi mà hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn. Vì thế, cần định danh người bán hàng online.
Tại Công điện số 119, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn TMĐT; bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn TMĐT, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, hiện nay nhiều người bán hàng online sử dụng tài khoản và nhân thân ảo, mở nhiều gian hàng kinh doanh trên mạng, chia nhỏ đơn hàng nhằm trốn thuế; chưa kể nhiều người livestream bán hàng doanh số "khủng" vẫn không phải nộp thuế hoặc tìm mọi cách trốn thuế. Để ngăn chặn, theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương), việc sử dụng công nghệ, cụ thể là ứng dụng AI, có thể phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, cũng như giúp bảo mật thông tin người dùng trong giao dịch TMĐT, bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng nhái.
Ngày 9/12 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 129/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với TMĐT.
Để ngăn chặn hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trong những tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã yêu cầu các đơn vị xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm. Đặc biệt tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online, như sàn TMĐT, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok...
Có thể thấy, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì việc định danh người bán hàng online và sử dụng hóa đơn điện tử sẽ là những biện pháp làm minh bạch thị trường TMĐT vốn từ lâu đã được coi là khó kiểm soát, là nơi “ẩn náu” của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng cho rằng người tiêu dùng hiện nay vẫn mua hàng trên các website hay các ứng dụng khác chủ yếu thực hiện giao dịch hợp đồng bằng tin nhắn. Mặc dù pháp luật không cấm nhưng trên thực tế hầu hết các trường hợp bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đều thông qua cách thức giao dịch như vậy. Trong trường hợp này người tiêu dùng cũng rất khó có thể kiểm tra, đành chấp nhận rủi ro. Vì thế, khi có kiến nghị với Bộ Công thương hay Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng rất khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phá hỏng môi trường sản xuất, kinh doanh, gây mất niềm tin, thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Trước sự bùng nổ của TMĐT, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc thiếu chặt chẽ trong kiểm soát để tuồn sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT. Chính vì thế, việc định danh người bán hàng online đã trở nên cấp thiết. Không thể để tái diễn việc không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng trên trang chủ website TMĐT; không công bố trên website TMĐT bán hàng thông tin về chủ sở hữu website nhằm trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng hòng dễ bề làm ăn gian dối.
Lâu nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn được rao bán tràn lan trên các nền tảng trực tuyến, sàn TMĐT, nhất là dịp cận Tết. Cho dù cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo, người tiêu dùng cũng đã cảnh giác hơn nhưng vẫn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn tiếp tục bị mất uy tín vì hàng giả đội lốt, trà trộn.
Về giải pháp, lãnh đạo Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng phải định danh người bán hàng trên các nền tảng TMĐT. Không phải chỉ định danh một cách đơn thuần và định danh điện tử mà phải định danh về mặt địa lý thực tế sản xuất hàng hóa, định danh được số lượng hàng, nhằm ngăn chặn tận gốc những hành vi gian lận thương mại có thể phát sinh.