Tại Công điện số 749, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2023. Công điện nêu rõ, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm ước đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, nhiều bộ, cơ quan, địa phương khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm.
Để giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư công tư đầu năm đến nay là khá chậm trễ. Nếu không quyết liệt, nhiều bộ, ngành, địa phương có thể không giải ngân hết vốn đầu tư công được giao. 4 tháng còn lại của năm 2023 chính là chặng đua nước rút, nhưng nếu tiếp tục chậm trễ sẽ hưởng tới hiệu quả đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Trong đầu tư công, các dự án xây dựng cao tốc là rất quan trọng, với tổng vốn đầu tư cao. Vì thế, tiến độ giải ngân phải song hành cùng tiến độ xây dựn. Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình thực hiện các dự án thành phần qua các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cũng cho thấy tiến độ thực hiện chậm. Tuyến cao tốc này dài 351,2km. Giữa tháng 8 tiến độ thực hiện đạt 5,8% giá trị hợp đồng; các địa phương bàn giao mặt bằng đạt 310/351,2km đạt 89%.
Với tuyến cao tốc này, vướng mắc chính là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư. Cùng đó là việc mở mỏ khai thác vật liệu đất đá đắp nền nơi cao tốc đi qua.
Tương tự, tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc giải ngân, triển khai xây dựng cao tốc cũng gặp nhiều khó khăn về nguyên vật liệu đắp nền. Đây là vùng đất yếu, cần nhiều cát để san lấp nhưng khai thác cát sông trong vùng không đủ. Trữ lượng cát sông dùng để san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 77% nhu cầu. Trong khi đó khi các dự án cao tốc triển khai đồng loạt thì nhu cầu vật liệu cát lên đến 47,8 triệu m3 (năm 2023 khoảng 17,8 triệu m3; năm 2024 khoảng 28,4 triệu m3).
Cũng chính vì vậy mà các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long nơi có cao tốc đi qua cùng Bộ Xây dựng đã tính đến phương án dùng cát biển bổ sung cho cát sông. Đồng thời xây cầu cạn trên tuyến để vượt qua những khu vực đất trũng, yếu. Điều đó cho cho thấy nỗ lực rất lớn, quyết tâm tìm giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc, cũng là để sớm đưa vốn đầu tư công vào cuộc sống.
Đầu tư công được xác định là 1 trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng với xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Chính vì vậy, việc lúng túng trước khó khăn, lại ra nhiều lý do để biện hộ việc chậm chạp trong giải ngân vốn đầu tư công là không thể chấp nhận. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc này là không ít cán bộ, lãnh đạo địa phương sợ trách nhiệm, sợ sai, sợ kỷ luật nên né tránh, “đá lên đá xuống, chuyền ngang chuyền dọc”. Trong bối cảnh khó khăn, đất nước phải chắt chiu, điều đó dẫn tới lãng phí rất lớn.
Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, quyết liệt vào cuộc là đòi hỏi của tất cả các tập thể, cá nhân nhận lãnh trách nhiệm. Nhân đây xin được dẫn ra một ví dụ tích cực trong vấn đề này. Đó là việc mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo khẩn trương tìm ra nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm, và phải đưa ra giải pháp khắc phục.
“Trong thời hạn 10 ngày/1 lần, các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư chậm phải báo cáo tiến độ thực hiện với Sở kế hoạch và Đầu tư” - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đưa ra “tối hậu thư”.