Xã hội

Chàng trai bỏ dạy học về làm giàu bằng nghề nông

Phương Thanh 30/03/2024 14:00

Anh Phạm Văn Quyên (SN 1987, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đã “hồi sinh” những thửa ruộng bỏ hoang thành “bờ xôi, ruộng mật”, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thất bại không nản

Nước da nâu khoẻ cùng ánh mắt sáng, nụ cười hiền khô là những ấn tượng đầu tiên khi PV tiếp xúc với anh Phạm Văn Quyên. Sinh ra trong gia đình thuần nông, anh Quyên có cả tuổi thơ gắn bó với ruộng vườn, ao đầm. Thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân, ngay từ tấm bé, anh đã nuôi trong mình một quyết tâm phải vươn lên để thoát nghèo.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, anh Quyên được Trường Cao đẳng Nghề giao thông vận tải Trung ương 2 (huyện An Dương, Hải Phòng) giữ lại làm giảng viên. Đứng trên bục giảng với thu nhập khá ổn định nhưng anh vẫn đau đáu được làm nông nghiệp, cung cấp thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng. Năm 2013, anh quyết “rẽ ngang”, bỏ nghề giáo viên để chuyển sang kinh doanh nông sản sạch dù bố mẹ phản đối kịch liệt.

Gom được số vốn mở cửa hàng bán nông sản sạch nhưng chỉ sau nửa năm, cửa hàng của anh phải đóng cửa, phần vì nguồn hàng không ổn định, phần vì giá nông sản sạch cao hơn nên chưa được nhiều người đón nhận.

Sản phẩm chuối tây của HTX Nam Việt tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng lần thứ 4. Ảnh: NVCC.
Sản phẩm chuối tây của HTX Nam Việt tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng lần thứ 4. Ảnh: NVCC.

Sau thất bại đầu tiên, anh Quyên xin vào làm việc tại Công ty Cổ phần Nông sản Việt Nam VEG (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong trong lĩnh vực trồng trọt tại Hải Phòng. Đến năm 2018, anh Quyên về quê tập hợp một số hộ dân thành lập Hợp tác xã (HTX) nông lâm thuỷ hải sản Nam Việt. Anh đảm nhiệm vai trò Giám đốc.

Lần này, bố mẹ anh Quyên đã thế chấp “sổ đỏ”, vay vốn ngân hàng để hỗ trợ con trai khởi nghiệp. May mắn, vụ đầu tiên, HTX trồng chuối trên diện tích khoảng 10 ha đã cho sản lượng thu hoạch tốt. Theo anh Quyên, điểm mấu chốt để có thể nắm bắt cơ hội chiến thắng chính là những cây chuối được trồng trên đất phù sa ven biển Tiên Lãng cho quả thơm ngon, đậm vị hơn nhiều địa phương khác.

Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Quyên cho biết: “Nếu không có tình yêu với đất thì giới trẻ khó mà theo nghề nông. Tuy nhiên, chỉ yêu đất bằng con tim thôi chưa đủ mà cần có kiến thức, sự tỉnh táo để có sự nhạy bén về thị trường”.

Xã Tây Hưng có 190 ha trồng chuối tây. Tuy nhiên, việc trồng chuối của bà con chỉ mang tính tự phát, chưa có đầu ra, chưa ổn định giá cả. Để nâng giá trị của quả chuối nơi đây, anh Quyên đăng ký tham gia Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). HTX Nam Việt là 1 trong 6 chủ thể đầu tiên của TP Hải Phòng tham gia chương trình và sản phẩm "Chuối Nam Việt" đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

a2.jpg
Anh Phạm Văn Quyên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc các loại cây, rau.

Chuối của HTX đảm bảo đáp ứng các quy trình nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn giống, trồng, thu hoạch, bảo quản... nên đã được các đơn vị, tập đoàn lớn đặt hàng như: KCN VSIP, KCN Nomura, KCN Tràng Duệ, KCN Deep C Đình Vũ, Tập đoàn du lịch Flamingo tại Cát Bà… và xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX còn triển khai mô hình trồng chuối tiêu hồng và chăn nuôi ngan thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, doanh thu của HTX tăng cao, đời sống người nông dân được ổn định.

Khát vọng truyền cảm hứng làm giàu cho thanh niên nông thôn

Vốn "say" đất nên khi thấy diện tích đất lúa kém hiệu quả của người dân bị hoang hóa, anh đã mạnh dạn thuê lại, cải tạo thành những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

nv-3.jpg
Anh Phạm Văn Quyên được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về quá trình đánh thức những thửa đất “ngủ yên”, anh Quyên nói: “Tuỳ từng khu vực đất, tôi lựa chọn phương án cải tạo phù hợp. Hạnh phúc nhất là chính những người nông dân từng bỏ ruộng hoang hàng chục năm qua lại trở thành những công nhân làm việc thường xuyên cho HTX Nam Việt”.

Nhanh tay thu hoạch rau, bà Nguyễn Thị Hà (xã Bắc Sơn, huyện An Dương) phấn khởi cho biết: “Những thửa ruộng bỏ hoang của gia đình nay đã được phủ xanh. Bản thân tôi có việc làm ổn định”.

Không dừng lại ở đó, anh Quyên còn áp dụng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch có tên AnFarm. Từ tháng 9/2022, AnFarm bắt đầu đi vào hoạt động đã thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm. Sự đón nhận của giới trẻ Hải Phòng với sản phẩm du lịch mới này chính là “quả ngọt” bước đầu cho ý tưởng của chàng thanh niên dám nghĩ, dám làm.

a4.jpg
Một góc khu trang trại kết hợp du lịch AnFarm.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Quyên cho biết: “Tôi mong muốn được tiếp cận thêm với nhiều nguồn vốn, trang bị thêm khoa học kỹ thuật để mở rộng quy mô sản xuất cho Nam Việt cũng như hoàn thiện diện mạo của AnFarm. Hy vọng rằng, AnFarm sẽ có bước tiến vững chắc để truyền cảm hứng cho các thanh niên nông thôn vượt khó và có khát vọng làm giàu”.

Năm 2021, anh Phạm Văn Quyên được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI - phần thưởng cao quý cho thanh niên nông thôn xuất sắc toàn diện. HTX Nam Việt nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của TP Hải Phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chàng trai bỏ dạy học về làm giàu bằng nghề nông