Xuất phát từ niềm say mê với những khối rubik, chàng trai người Nùng, Lâm Văn Hiếu (20 tuổi, Yên Thế, Bắc Giang) đã tìm tòi để vẽ nên những tác phẩm phác họa chân dung Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và cả hình ảnh của các ca sĩ nổi tiếng.
Ngoài sở hữu gần 500 khối lập phương và một số loại biến thể khác, Hiếu còn có thể giải mã chúng rất nhanh. Bức tranh bản đồ Việt Nam được ghép bằng 300 khối rubik hoàn thiện trong 6 giờ đồng hồ. Từ những khối Rubik cơ bản, chàng sinh viên quê Bắc Giang đã cho ra đời nhiều bức tranh khác nhau như bản đồ Việt Nam, chân dung Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp hoặc các ca sĩ nổi tiếng như Binz, Đen Vâu...
“Đam mê không từ bỏ”
Phải mất gần 2 năm tìm hiểu nguyên lý của những khối rubik, chàng trai người Nùng mới có thể tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.
2 năm về trước, trong một lần tình cờ theo dõi tin tức về nghệ sĩ Ý làm bức tranh với hơn 6.000 khối rubik nhân kỷ niệm 40 năm cấp bằng sáng chế. Hiếu nảy ra ý tưởng sẽ thực hiện những bức tranh từ những khối hình lập phương.
Nghĩ là làm, Hiếu nỗ lực tìm tòi, học hỏi về cách tạo ra bức tranh. Sau gần nửa năm nghiên cứu và bắt đầu làm thử trong vòng một tháng, Hiếu đã cho ra mắt những tác phẩm đầu tay.
Ban đầu, Hiếu trăn trở tìm tòi trên các diễn đàn, hội nhóm về rubik để nắm bắt về cách sáng tạo tranh và phối màu sao cho màu đẹp nhất. “Mình suy nghĩ, tại sao người nước ngoài họ làm được mà mình thì không”. Bằng chính sự trăn trở đó, Hiếu bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện.
Đến nay, Hiếu sở hữu cho mình 20 bức tranh được tạo nên từ những khối hình rubik vô tri, vô giác. Bức tranh mà Hiếu tâm đắc nhất có lẽ phải kể đến bức vẽ bản đồ Việt Nam. Bức tranh “ngốn” nhiều thời gian và công sức.
Thông thường, Hiếu phải mất 6 giờ đồng hồ để hoàn thành một bức chân dung từ những gam màu cơ bản của Rubik, là cam, trắng, đỏ, vàng, xanh dương và xanh lá cây. Để xếp được một bức tranh hoàn chỉnh, Hiếu phải mất nhiều giờ chia thành các ô phù hợp để màu tranh khi hoàn thiện trở nên hài hòa, vừa mắt.
“Sau hơn nửa năm nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng tác phẩm bản đồ Việt Nam đầu tay của mình cũng được ra đời”, Hiếu phấn khởi cho hay.
Luyện tính kiên trì, bền bỉ
Để cho ra đời một bức tranh hoàn chỉnh, Hiếu phải đưa tranh mẫu vào máy tính xử lý bằng thuật toán và tìm ra quy luật chung. Ngoài xoay các khối Rubik ra nhiều màu sắc và xếp chúng thành các bức tranh sống động, Hiếu phải bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để vừa xoay, vừa ghép chúng lại với nhau. Quá trình sáng tạo tranh yêu cầu người làm phải có tư duy và am hiểu về rubik.
Theo Hiếu, trong sáng tạo tranh từ rubik điều khó nhất là đòi hỏi người làm phải thật tập trung, kiên nhẫn mới có thể hoàn thiện tác phẩm. Đối với một tranh chân dung kích cỡ vừa Hiếu phải mất tuần lên ý tưởng sau đó tìm cách phối màu, chia ô, xắp sếp các khối Rubik lại với nhau theo bản phác họa.
Chàng trai người dân tộc Nùng chia sẻ, để cho ra đời một bức tranh đẹp cần phải có tư duy phối màu tốt, biết ghép Rubik và phải thật kiên trì. “Với mình khó khăn nhất là chuyển màu cho bức tranh về 6 màu cơ bản của Rubik. Bởi thời gian đầu chưa quen mình làm rất xấu.
Thậm chí, khi phối màu thấy bức tranh đẹp rồi nhưng khi ghép lại với nhau thì chưa phù hợp nên phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần. Mãi về sau, làm nhiều mình mới đúc rút được nhiều kinh nghiệm hơn thì bức tranh Rubik mới “có hồn” và đẹp mắt”, Hiếu tâm tình.
Mỗi tác phẩm khi bắt tay vào thực hiện, Hiếu đều cẩn thận chụp lại từng công đoạn để từ đó rút kinh nghiệm cho những sản phẩm sau. Để có kinh phí mua Rubik phục vụ việc sáng tác tranh, Hiếu phải tiết kiệm tiền và đi làm thêm mới sở hữu được. Hiếu cho hay, để tạo nên một bức tranh cần tốn khoảng gần 7 triệu tiền mua rubik và 1 số vật dụng cần thiết.
Thông qua việc tìm thuật toán sắp sếp các khối rubik đã giúp Hiếu cải thiện trí nhớ và rèn luyện tính kiên nhẫn, kỹ năng giải quyết vấn đề và phản xạ linh hoạt. Hiếu đã không ngừng học hỏi thêm để theo đuổi đam mê của mình và xem đó là động lực cho Hiếu cố gắng từng ngày.
Hiện tại, Hiếu đang sở hữu hơn 500 khối rubik và đã sáng tạo được 5 bức tranh khác nhau. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Hiếu niềm nở nói, sau khi trở lại Hà Nội học tập, ngoài thời gian đi học Hiếu sẽ dành thêm thời gian để sáng tạo tranh rubik về quê hương đất nước. Chàng trai nuôi nấng mong muốn sẽ thổi hồn vào rubik để vẽ nên khung cảnh về quê hương đất nước, qua đó sẽ lan tỏa sở thích chơi rubik đến gần hơn với mọi người.