Chàng trai khiếm thị gửi tâm sự vào tiếng đàn nguyệt

phạm sỹ 19/10/2023 14:28

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Bắc Ninh, chàng trai trẻ Thái Quốc Thanh (1990 và người anh cả đều mắc phải căn bệnh khiếm thị bẩm sinh. Dù không thể nhìn thấy mọi thứ nhưng chàng trai trẻ ấy lại có tình yêu đặc biệt với tiếng đàn nguyệt. Bằng tiếng đàn, Quốc Thanh đã tìm được cho mình những âm thanh của hạnh phúc và còn truyền cảm hứng, sự lạc quan cho những hoàn cảnh kém may mắn vượt lên số phận.

Chàng trai khiếm thị Thái Quốc Thanh tại chương trình "Trạm yêu thương".

Giống như những người khiếm thị bẩm sinh khác, ngay từ khi lọt lòng mẹ, Thái Quốc Thanh đã không nhìn thấy ánh sáng. Ký ức tuổi thơ của anh là những lần được bà được mẹ dẫn đi nghe hát quan họ ngoài đình. Cứ thế, tình yêu và sự say mê với các làn điệu dân ca truyền thống, với âm nhạc cứ lớn dần trong tim chàng trai 9X.

Bước ngoặt đến với chàng trai xứ Kinh Bắc vào năm lên 7 tuổi, Thái Quốc Thanh có cơ hội được lên Hà Nội theo học tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Lần đầu tiên được học, được tiếp xúc với âm nhạc, chàng trai trẻ đã chọn cây đàn tứ, nhưng cậu bé nhận ra đàn tứ vốn chỉ đệm và không thể rung nhấn.

Cơ duyên đến với Quốc Thanh khi lên lớp 9, mỗi học sinh được chọn thêm nhạc cụ mới. Khi được nghe tiếng đàn nguyệt, anh đã bị chinh phục hoàn toàn và trở thành người duy nhất trong lớp lựa chọn nhạc cụ này để theo học.

Ca khúc “Tình yêu quê hương” được ngân lên trại “Trạm yêu thương” qua tiếng đàng nguyệt đầy nghị lực của Thái Quốc Thanh, đã khiến khán giả không khỏi ngỡ ngàng và xúc động.

Khi học hết 9 năm Trung học, anh thi đỗ vào hệ Trung cấp của Nhạc viện Hà Nội với số điểm cao và luôn là sinh viên xuất sắc top đầu của khoa Nhạc cụ truyền thống. Để đạt được thành quả ấy, chàng trai khiếm thị đã chăm chỉ học ngày học đêm và cố gắng nỗ lực hơn các bạn rất nhiều lần. Không thể đọc phổ nhạc, Thái Quốc Thanh nhờ các bạn mắt sáng đọc cho mình, sau đó anh cẩn thận chép lại bằng chữ nổi và học thuộc: “Học nhạc không chỉ cần thiên phú mà còn cần sự khổ luyện. Các bạn có thể nhìn tay thầy giáo để hoàn thiện phong cách biểu diễn, còn mình thầy phải đến tận nơi, cầm tay, chỉ ngón luyện đàn cho đúng”. Chính những nỗ lực và thành tích học tập cao đã giúp Quốc Thanh được đặc cách vào hệ Đại học của trường.

Những buổi biểu diễn ở “Hợp ca hy vọng” không chỉ giúp Quốc Thanh thể hiện tình yêu âm nhạc của mình, mà còn là nơi anh được giao lưu, gặp gỡ và sẻ chia với những người có cùng cảnh ngộ. Bao nhiêu năm tham gia vào dàn hợp ca đặc biệt này là bấy nhiêu năm Quốc Thanh mang tiếng hát, tiếng đàn hòa ca trong dàn hợp xướng của tình yêu và hy vọng, lan tỏa niềm tin vui sống đến tất cả mọi người.

Câu chuyện về nỗ lực vươn lên số phận của Quốc Thanh được kể lại tại “Trạm yêu thương” giống như giai điệu của tiếng đàn nguyệt, lúc trầm lúc bổng.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Quốc Thanh cho biết sẽ tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương của mình bằng âm nhạc, đặc biệt anh và các thành viên trong Hội người mù TP Bắc Ninh sẽ tiếp tục hành trình san sẻ yêu thương bằng cách trao học bổng tiếp thêm niềm tin hy vọng cho những người khiếm thị và con cái của họ. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào hỗ trợ cho Thái Quốc Thanh trên hành trình đầy nhân văn ấy.

Mặc dù cuộc sống đầy thử thách, Quốc Thanh vẫn không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

Câu chuyện về cuộc đời đầy gian truân và những nỗ lực vượt lên trên nghịch cảnh tìm thấy tình yêu của đời mình và xây dựng tổ ấm hạnh phúc khiến nhiều người ngưỡng mộ của chàng trai trẻ xứ Kinh Bắc – Quốc Thanh sẽ được chương trình “Trạm yêu thương” phát tróng trên kênh VTV1 vào lúc lúc 10h00 thứ Bảy 21/10 tới đây với chủ đề “Gửi tâm sự vào tiếng đàn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chàng trai khiếm thị gửi tâm sự vào tiếng đàn nguyệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO