Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng, nguy cơ tử vong do Covid-19 ở những người có chỉ số axit béo Omega-3 cao là thấp hơn đáng kể so với những bệnh nhân bị thiếu hụt chất béo này.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Prostaglandins, Leukotrienes và Essential Fatty Acids.
Theo Sputnik, các nhà nghiên cứu tại Viện Axit béo (FARI) và Trung tâm Y tế Cedars Sinai ở California đã công bố bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy lượng Omega-3 cao hơn trong máu làm giảm nguy cơ tử vong do Covid-19.
Các tác giả đã phân tích chỉ số Omega-3 (O3I) trong máu của một trăm bệnh nhân mắc Covid-19 khi nhập viện. 14 bệnh nhân trong số này đã tử vong.
Theo kết quả xử lý dữ liệu trong phần mềm OmegaQuant Analytics, các bệnh nhân được chia thành 4 nhóm theo chỉ số O3I và 13 trong số 14 trường hợp tử vong nằm trong nhóm có chỉ số O3I thấp nhất - dưới 5,7%.
Phân tích hồi quy được điều chỉnh theo độ tuổi và giới tính cho thấy rằng, những người thuộc nhóm này có nguy cơ tử vong cao hơn 4 lần so với những người có chỉ số O3I cao hơn.
“Mặc dù nghiên cứu thử nghiệm này chưa đạt được ngưỡng chuẩn có ý nghĩa thống kê nhưng cùng với nhiều bằng chứng khác về tác dụng chống viêm của axit béo EPA và DHA, có thể thấy rằng, các axit béo có nhiều trong các loại cá và hải sản có thể làm giảm nguy cơ Covid -19 gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống. Để xác định kết quả sơ bộ này cần phải tiến hành các nghiên cứu với quy mô lớn hơn", thông cáo báo chí của viện FARI trích dẫn lời của tác giả chính Arash Asher từ Viện Ung thư Tổng quát Samuel Oschin thuộc Trung tâm Y tế Cedars Sinai ở Los Angeles cho biết.
Các tác giả cho rằng, lượng Omega-3 trong cơ thể thấp có thể được coi là yếu tố dự báo nguy cơ tử vong cao do Covid-19 và chỉ số O3I cao có khả năng bảo vệ con người khỏi các biến thể nghiêm trọng do phản ứng viêm gây ra các cơn bão cytokine - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do COVID-19.
Thuốc xịt mũi diệt SARS-CoV-2
Trong một diễn biến liên quan khác, các nhân viên của Khoa Vi sinh (Đại học Uludag ở Bursa, Thổ Nhĩ Kỳ) đã phát triển một loại thuốc xịt mũi mà họ cho rằng có thể tiêu diệt SARS-CoV-2 chỉ trong một phút.
Thuốc xịt có tên là Genoxyn và được phát triển bởi Giáo sư Shehime Gulsun Temel, Tiến sĩ Ahmet Yumit Sabanci và Tiến sĩ Güneit Ozakin của Đại học Uludag.
Theo Tiến sĩ Sabanci, nghiên cứu được bắt đầu trước khi xảy ra đại dịch.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng loại thuốc này có hoạt tính kháng khuẩn và sau khi đại dịch bùng phát, chúng tôi tự hỏi liệu có thể góp phần vào cuộc chiến chống lại Covid-19 hay không. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thuốc xịt tiêu diệt virus trên mô miệng và mũi, giúp ngăn chặn sự lây lan của virus cũng như làm giảm số lượng của chúng", ông Sabanji giải thích.
Giáo sư Temel thì lưu ý rằng thuốc xịt sẽ tiêu diệt SARS-CoV-2 trong vòng một phút mà không làm hỏng các tế bào biểu mô trên màng nhầy.
Các nhà khoa học cho biết sau khi thuốc được cải tiến thông qua công nghệ nano, tác dụng của nó trở nên ổn định hơn và nó bắt đầu có tác dụng lâu dài trên một số phân tử nhất định. Họ khẳng định rằng thuốc xịt có hiệu quả cao không chỉ chống lại Covid-19 mà còn chống lại nhiều loại vi khuẩn và nấm khác nhau.
WHO thảo luận với Trung Quốc về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Cũng liên quan đến đại dịch Covid-19, Tiến sỹ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/2 tuyên bố nhóm chuyên gia của WHO điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đang có các cuộc thảo luận hiệu quả với những đồng nghiệp Trung Quốc.
Phát biểu họp báo trực tuyến tại Geneva, bà Maria Van Kerkhove cho biết phái đoàn WHO đang có các cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả với những đồng nghiệp Trung Quốc và đã tới thăm các bệnh viện khác nhau...
Trước đó, nhóm chuyên gia của WHO đã đến thăm Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) của tỉnh Hồ Bắc, nơi đại dịch lần đầu được phát hiện năm 2019.
Nhóm chuyên gia đã có buổi làm việc kéo dài khoảng 4 giờ rưỡi tại CDC Hồ Bắc và không trao đổi với các phóng viên có mặt tại đây. Đây là chuyến thăm hiện trường dài nhất của nhóm kể từ sau khi nhóm chuyên gia hoàn thành 2 tuần cách ly hôm 28/1.
Đến nay, nhóm chuyên gia cũng đã đến thăm các bệnh viện phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên cũng như các khu chợ và triển lãm về cuộc chiến chống dịch tại thành phố Vũ Hán. Hiện kế hoạch đầy đủ của cuộc điều tra chưa được công bố, trong khi các nhà báo đưa tin về chuyến công tác cũng được yêu cầu giữ khoảng cách với các thành viên của nhóm chuyên gia.
Nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán ngày 14/1 và dự kiến sẽ thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tuần. WHO nêu rõ chuyến công tác này thuần túy là về khoa học để làm rõ cách thức lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Tân Hoa xã đưa tin các nhà khoa học của WHO sẽ tiến hành nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc virus.
Trước đó, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của WHO đã đến thăm chợ hải sản Hoa Nam, nơi có liên quan đến các ca mắc Covid-19 đầu tiên và chợ thực phẩm bán buôn Bạch Sa Châu, hiện đã cấm bán tất cả các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.