Sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, cử tri đã kiến nghị đến Bộ Nội vụ nhiều vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tránh việc cán bộ vừa giữ chức vụ lại phát hiện ra sai phạm.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ cho biết, trong những năm vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành: Quy định số 50-QĐ/TW trong đó đã quy định rõ các nguyên tắc, mục đích, yêu cầu trong công tác quy hoạch phải coi trọng chất lượng, rà soát, đánh giá toàn diện nguồn cán bộ; Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ; Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Bộ Nội vụ cho biết, tại Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền. Không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện. Căn cứ các nghị quyết, quyết định, quy định, kết luận của Đảng, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định về cán bộ, công chức viên chức, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 142-QĐ/TW, Quy định số 144-QĐ/TW, Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đây là những văn bản quan trọng nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá cán bộ trước khi thực hiện công tác cán bộ. Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể chế hóa các quy định nêu trên theo thẩm quyền để thống nhất thực hiện.
Với ý kiến cử tri kiến nghị cần quan tâm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình đồng thời, tăng cường các giải pháp quản lý cán bộ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; theo Bộ Nội vụ trong thời gian vừa qua Bộ đã trình Chính phủ ban hành nhiều quy định liên quan đến công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2023/NĐ-CP. Nội dung các Nghị định tập trung thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm thống nhất đồng bộ giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn thực hiện tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho bộ, ngành, địa phương trong công tác cán bộ. Theo đó, các nội dung về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm cũng đã được sửa đổi đồng bộ với quy định của Đảng và phù hợp với thực tiễn thực hiện.
Liên quan đến các giải pháp quản lý cán bộ, PCTN, tiêu cực, Bộ Nội vụ cho biết, thể chế hóa quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, tại các Nghị định trình Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua Bộ đã rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm, luân chuyển, phân cấp quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Hiện nay Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương đang quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung tại Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Theo đó tăng cường các giải pháp quản lý cán bộ. PCTN, tiêu cực theo đúng tinh thần kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng. Phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết. Né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc vi phạm trách nhiệm nêu gương. Để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính...