Trong và sau Tết, mạng xã hội xuất hiện nhiều vụ việc gây phẫn nộ. Một quán cơm ở Phú Yên bị khách phản ánh về việc tính hơn 1 triệu đồng cho bữa ăn bình dân. Chủ quán không niêm yết giá, nhân viên có thái độ thách thức khi bị thắc mắc. Một quán bún riêu trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), khiến khách sững sờ khi phải trả 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún. Khi bị phản ánh, chủ quán ban đầu phủ nhận, sau đó viện lý do "chỉ là trò đùa" khi khách đưa bằng chứng chuyển khoản...
Những trường hợp bị phát giác chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trên thực tế, vẫn có vô số hàng quán ăn uống, dịch vụ trông giữ xe lợi dụng dịp lễ Tết, khi khách du lịch đông, nhu cầu tăng cao để nâng giá. Lợi nhuận nhanh chóng khiến nhiều chủ quán bất chấp, nhưng cái giá phải trả cũng không nhỏ. Niềm tin của khách hàng một khi đã mất, rất khó để khôi phục, ngay cả khi có “tâm thư” xin lỗi sau khi bị phanh phui, thì lời xin lỗi đó, với nhiều người, không còn giá trị, bởi nó không xuất phát từ sự hối lỗi chân thành mà chỉ là phản ứng khi bị xã hội lên án.
Việc để vấn nạn “chặt chém” tiếp diễn không chỉ ảnh hưởng đến một vài nhà hàng mà còn tác động tiêu cực đến hình ảnh du lịch. Khi du khách cảm thấy không được tôn trọng, họ sẽ không quay lại. Những điểm đến từng thu hút hàng triệu lượt khách có thể nhanh chóng mất đi sức hút chỉ vì sự gian lận và thiếu minh bạch trong kinh doanh. Đây là điều đã xảy ra tại nhiều nơi, và nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, rất có thể sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng.
Trong bối cảnh lễ hội xuân 2025 đang diễn ra, lượng khách đổ về các điểm du lịch tăng cao, đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý. Việc kiểm tra, giám sát giá cả cần được đẩy mạnh, không chỉ với các nhà hàng lớn mà cả những hàng quán nhỏ lẻ. Những quán ăn không niêm yết giá, thu tiền cao bất thường cần bị xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Nếu không có sự răn đe đủ mạnh, những hành vi này sẽ tiếp tục lặp lại, hoặc lây lan vào mỗi dịp lễ Tết hoặc mùa cao điểm du lịch.
Song, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan chức năng. Chính những người kinh doanh cần hiểu rằng lợi ích lâu dài quan trọng hơn những khoản lợi nhuận ngắn hạn. Khi cung cấp một dịch vụ minh bạch, giữ giá cả hợp lý và đối xử tử tế với khách hàng, chính họ mới là người hưởng lợi lớn nhất. Một quán ăn phục vụ tốt, giá cả rõ ràng, sẽ luôn có khách quay lại. Một địa điểm du lịch được đánh giá cao về dịch vụ sẽ thu hút nhiều người hơn, đem lại lợi ích bền vững.
Niêm yết giá công khai không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin. Không có lý do nào để một quán ăn từ chối hiển thị giá nếu họ thực sự kinh doanh trung thực. Minh bạch là cách duy nhất để tránh những tranh cãi không đáng có, đồng thời giúp cả người bán lẫn người mua đều yên tâm hơn khi giao dịch.
Một nền kinh doanh văn minh không thể dựa trên sự dối trá và những lời xin lỗi được đưa ra khi đã quá muộn. Không ai phản đối việc tăng giá vào những dịp cao điểm, nhưng việc đó phải đi kèm với sự minh bạch và hợp lý. Một món ăn có giá cao vì nguyên liệu đắt đỏ, do chi phí vận hành tăng lên là điều có thể chấp nhận, nhưng việc nâng giá tùy tiện để trục lợi là điều không thể dung thứ.
Thái độ của khách hàng ngày nay cũng đã thay đổi. Trong thời đại công nghệ, một hành vi gian lận không thể bị che giấu lâu. Chỉ cần một bài đăng trên mạng xã hội, một đoạn video ghi lại sự việc, là cả cộng đồng có thể lên tiếng. Những quán ăn có lịch sử “chặt chém” sẽ khó có cơ hội tiếp tục kinh doanh khi khách hàng quay lưng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết: hoặc thay đổi để phù hợp với tiêu chuẩn mới của thị trường, hoặc chấp nhận bị đào thải.
Để giải quyết triệt để vấn đề, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần giám sát nghiêm ngặt hơn, triển khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, xử lý nhanh chóng các vi phạm. Những đơn vị kinh doanh cần chủ động thay đổi, không chỉ vì quy định pháp luật mà vì sự phát triển lâu dài của chính mình. Chỉ khi nào toàn bộ hệ thống vận hành dựa trên nguyên tắc minh bạch, công bằng và tôn trọng khách hàng, thì khi đó nạn “chặt chém” mới không còn đất sống.
Lời xin lỗi không thể cứu vãn một doanh nghiệp, cửa hàng đã mất uy tín. Một nền kinh doanh chỉ có thể phát triển khi dựa trên sự trung thực, tôn trọng khách hàng và một tầm nhìn dài hạn. Không ai muốn bỏ tiền để mua sự bực tức. Nếu muốn kinh doanh bền vững, các quán ăn, nhà hàng cần hiểu rằng khách hàng không chỉ đơn thuần mua một bữa ăn, mà còn đang đánh giá cả giá trị của doanh nghiệp đó.