Tại cuộc hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng ngày 11/7, giới chuyên gia thừa nhận chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ( DNNVV) chưa được cải thiện, quy mô của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Cụ thể, mức đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật của DNNVV còn thấp. DN Việt phần lớn quy mô nhỏ và vừa, rất yếu thế trong cạnh tranh với DN quốc tế nên đòi hỏi được hỗ trợ một cách thiết thực, phù hợp. Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần cụ thể hóa các quy định nhằm hỗ trợ DNNVV. Đây cũng là mục tiêu phù hợp với tình hình trong qua trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, để hỗ trợ DN cần tăng cường hiệu lực của việc xóa bỏ, hạn chế các điều kiện kinh doanh, tạo nền tảng giảm chi phí kinh doanh. Hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng và triển khai hiệu quả các nghị định về điều kiện kinh doanh trong các ngành kinh tế.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP nhằm giảm chi phí vận tải hàng hóa cho doanh nghiệp. Đích đến là tăng cường tối đa sức mạnh của cơ chế trong việc giảm chi phí sản xuất, vận tải để tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa ngay trong địa bàn thị trường nội địa. Từ đó, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với quốc tế.
Bên cạnh đó cũng tăng cường thu hút, thúc đẩy các nguồn đầu tư trong DN, trong dân. Thu hút đầu tư thực hiện trên cơ sở duy trì ổn định lạm phát, ổn định và tiến tới giảm dần mặt bằng lãi suất. Về lâu dài, nguồn lực trong nội bộ nền kinh tế, nguồn lực trong dân mới là động lực chủ yếu cho phát triển.