Một buổi chiều cuối năm, Hà Nội se lạnh, đất trời như chiều lòng Lê Duy Mạnh, người nghệ sĩ bao năm đắm đuối với cây kèn Saxophone để anh giới thiệu sản phẩm bộ đĩa than (LP) và CD với cái tên có vẻ rất hợp với không khí ấy: “Cô đơn”.
Sự cô đơn… tích cực
Trong buổi giới thiệu “Cô đơn”, nhà báo Hà Sơn có hỏi Duy Mạnh đại ý tại sao có bà xã Trang Lê ở đây rồi mà vẫn chọn tên “Cô đơn”, không sợ bà xã “tra hỏi thẩm vấn” hay sao? Mạnh cười, trả lời thong thả và có phần hơi rụt rè rằng anh không sợ cô đơn, không sợ vợ trách.
Và rằng trong số những bài làm album lần này anh chọn nhạc xưa trữ tình, bài nào cũng cô đơn, một mình, thậm chí còn có sự chia xa. Đó là một tình yêu khắc khoải, tình yêu dang dở, tình yêu đầu đời… được các nhạc sĩ ghi lại trong cảm xúc âm nhạc. Dù mỗi một tác phẩm là một cung bậc khác nhau nhưng tất cả đều có chung một trạng thái, sau mỗi cuộc tình là sự cô đơn. Lê Duy Mạnh cũng nói thêm rằng, chính anh và bà xã “đã thống nhất với nhau cái tên ấy, nên anh... không sợ gì hết”. Nói xong Mạnh cười.
Có mặt ở trong khán phòng bữa ấy, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Tôi thích Lê Duy Mạnh chọn tên đĩa Cô đơn”. Ông nói thêm: “Cô đơn nhiều người nói nhưng trong sáng tác nghệ thuật, cô đơn là sự tuyệt đối. Nếu không có thời gian cô đơn thì Lê Duy Mạnh không thể làm sản phẩm tốt thế này. Sản phẩm này sẽ được lưu giữ lại trong lòng người yêu nhạc Việt Nam và có thể đưa ra thế giới theo cách riêng”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương thêm ý kiến để góp phần giải mã từ “cô đơn”, ông kể: “Có một câu chuyện thú vị như này, nhà thơ nhạc sĩ Đặng Đình Hưng là bố của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có nói: Chỉ cô đơn toàn phần mới sinh năng lượng. Vậy thì khi đặt tên “Cô đơn” cho đĩa than và CD này thì có lẽ lần đầu tiên nghĩa của cô đơn được tích cực”. Họa sĩ chia sẻ thêm một cắt nghĩa về cô đơn: “Sự cô đơn phải toàn phần thì mới sinh năng lượng. Cô đơn cho người ta sự tập trung làm một điều gì đấy”.
Còn với tác phẩm “Cô đơn”, một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà Lê Duy Mạnh đã lấy làm tựa đề, anh cho biết: “Tôi cảm nhận mình có sự đồng cảm với tâm sự của người nhạc sĩ và đồng cảm với chính sự cô đơn đó và tự nhủ hãy đặt mình vào nhạc sĩ, thể hiện qua tiếng kèn mới diễn tả được cảm xúc”. Mạnh cho biết thêm: “Trong nhạc phẩm “Cô đơn”, thực ra không hoàn toàn cô đơn mà lại có hạnh phúc”. “Lê Duy Mạnh thể hiện trong tác phẩm “Cô đơn” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là sự dằn vặt, mang hơi thở vừa tiếc thương, vừa hình như chúng ta nhận ra có điều gì đó gần gũi hơn, mang đến cho người nghe nỗi cô đơn của riêng mình”, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ thêm và ông cho biết: “Có thể nói rằng Lê Duy Mạnh có bản sắc rất riêng”.
Chọn đĩa than đánh dấu chặng đường sự nghiệp
“Cô đơn” chỉ là cái tên đĩa, là âm nhạc mở ra không gian lãng mạn trong buổi chiều đông có những hạt mưa lất phất đón đợt gió mùa tràn về. Còn để có ngày bộ đĩa LP và CD ra đời là cả một hành trình dài lên tới 3 năm diễn ra trong những ngày còn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và trong hành trình ấy Lê Duy Mạnh không hề cô đơn.
Mạnh chọn những người bạn thân thiết, nghệ sĩ piano Hà Lê và Nguyễn Hiền Đức, nghệ sĩ guitar Nguyễn Hữu Hiệp và Hoàng Xuân Tùng, nghệ sĩ contrabass Nguyễn Minh Đức, nghệ sĩ drums Lê Việt Hùng. Ngoài nghệ sĩ Hà Lê là người chị thân thiết với vợ chồng Lê Duy Mạnh, các nghệ sĩ còn lại là đồng nghiệp cùng giảng dạy ngay tại khoa Nhạc Jazz (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Điều này vừa có sự thuận lợi vì mọi người đã biết về âm nhạc của từng thành viên, đồng thời cũng dễ dàng hơn trong việc luyện tập và trao đổi chuyên môn. Cũng vì thế mà khi thực hiện bộ đĩa này, Lê Duy Mạnh kiêm luôn vai trò hòa âm phối khí và có sự tương tác, góp ý rất nhiều từ chính những đồng nghiệp của mình để cho ra đời những bản hòa âm hiệu quả nhất, ăn ý nhất và khiến cho cả nhóm hài lòng nhất.
“Tôi yêu kèn nên luôn hòa âm các tác phẩm cho kèn của mình”, Mạnh nói và khẳng định thêm: “Không thể thiếu được sự hỗ trợ của anh em ban nhạc. Nhiều khi tôi hòa âm phối khí ở nhà nhưng tới phòng thu anh em lại có ý tưởng hay hơn thì cùng các anh em có bản phối hay đặc sắc hơn nữa”. Trong khi bộ đĩa được thu âm tại phòng thu Kiên Quyết, cũng là phòng thu quen thuộc với cá nhân Mạnh và giới âm nhạc Hà Nội.
Lê Duy Mạnh chia sẻ: “Trong thời điểm dịch Covid-19 tôi suy nghĩ nhiều, ấp ủ nhiều và muốn làm điều gì đó. Cuối cùng, điều mà tôi mong muốn đánh dấu quãng đường nghệ thuật đã qua cho tới thời điểm hiện tại của mình là thực hiện bộ đĩa. Mà đĩa ở thời điểm này thì phải là đĩa than. Hiện giờ đĩa than đang hồi sinh, tôi muốn đánh dấu chặng đường sự nghiệp của mình bằng sản phẩm thật đặc biệt”. Nhưng cái khó, theo Lê Duy Mạnh là ở khâu sản xuất diễn ra trong thời điểm dịch. Hơn nữa, với các ca sĩ làm sản phẩm đĩa than đã khó, với nghệ sĩ như Lê Duy Mạnh thì còn khó hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, Lê Duy Mạnh còn may mắn có người đồng hành, chung tay sản xuất bộ đĩa LP và CD ngay từ giai đoạn đầu tiên, đó là Trần Đức’s Store nổi danh và uy tín trong giới chơi âm thanh tại Hà Nội. Khi hỏi Trần Đức, vì sao lại quyết định đồng hành cùng Lê Duy Mạnh trong sản phẩm này, anh chỉ nói rất ngắn gọn: “Đĩa than là sản phẩm để đời đối với nghệ sĩ cho nên tôi trân trọng khi hợp tác cùng Mạnh trong sản phẩm này”.
Anh Trần Đức cũng cho biết thêm, trong quá trình sản xuất bộ đĩa được ekip hợp tác với hãng sản xuất đĩa than nổi tiếng của Mỹ - Serling Sound để có bản mastering tốt nhất. Sau đó mới gửi qua hãng in đĩa tại Nhật Bản để cắt và in thành phẩm. Trang Lê - bà xã Lê Duy Mạnh cho rằng: “Làm sản phẩm nào cũng tốn công sức, tiền bạc. Nhất là trong mùa dịch khó khăn về kinh tế nhưng bù lại anh Mạnh được thoải mái về thời gian”. Trang Lê vui vẻ chia sẻ: “May mắn có anh Trần Đức đồng hành với dự án của anh Lê Duy Mạnh ngay từ lúc đầu”.
Chắt chiu từng chi tiết
Khi hỏi về việc anh nghĩ khán giả sẽ đón nhận sản phẩm này như thế nào, Lê Duy Mạnh không ngần ngại trả lời ngay: “Tôi nghĩ sản phẩm mình làm ra chỉn chu, thỏa mãn mình rồi mới đem ra công chúng nên chắc công chúng sẽ đồng cảm với người nghệ sĩ thôi”. Với mỗi một sản phẩm âm nhạc trước khi ra mắt Mạnh luôn chắt chiu đến từng chi tiết. Còn nhớ cách đây đúng 5 năm, năm 2017, hai vợ chồng Lê Duy Mạnh hẹn tôi tại một quán cà phê gần Nhà thờ lớn Hà Nội và chia sẻ về một album Mạnh đã thực hiện xong phần tiếng.
Sau buổi họp báo ra mắt “Cô đơn” ekip ngồi nhâm nhi ly rượu vang, Trang Lê nhắc lại cho nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long câu chuyện cách đây 5 năm, năm 2017, khi ấy vợ chồng Lê Duy Mạnh đã mời Nguyễn Quang Long tới trò chuyện tại một quán cà phê ngay bên cạnh Nhà thờ Lớn Hà Nội để giãi bày chia sẻ.
Thời điểm đó, Quang Long đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, còn đương kiêm nhiệm phụ trách ban biên tập của NXB Âm nhạc, có kinh nghiệm cho nên rất nhiều nghệ sĩ anh em bạn bè khi làm sản phẩm thường muốn gặp gỡ để chia sẻ ấp ủ cũng như mong muốn đón nhận những góp ý. Lúc đó, dù đã biết Lê Duy Mạnh từ thời anh em còn học trong trường nhạc, nhưng khi ấy Quang Long khá bất ngờ với tiếng kèn của Mạnh khi đã trở thành một bản audio. Và Quang Long đã động viên hai vợ chồng Lê Duy Mạnh nên xuất bản thành một đĩa CD bài bản, coi như đánh dấu một chặng đường.
Những thành công sau đĩa đầu tay mang tên “Em” hồi năm 2017 đã giúp cho Mạnh và cả Trang Lê thêm tự tin kể từ đó bắt đầu đều đặn hơn những sản phẩm được thực hiện bài bản đến với công chúng. Đáng kể nhất là MV “Hello Việt Nam” phát hành dịp 2/9/2021 được Lê Duy Mạnh thực hiện khá cầu kỳ với những hình ảnh đẹp trải dọc đất nước, từ Sa Pa (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đến biển Hải Hậu (Nam Định), biển Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), biển Bình Định, phố cổ Hội An rồi thác Dray Nur hùng vĩ của núi rừng Đắk Lắk...
Lê Duy Mạnh cũng xuất hiện trong nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, như chương trình “Xuân Quê hương 2022” và thực hiện nhiều chuyến lưu diễn nước ngoài, nhất là tại châu Âu. Lê Duy Mạnh chia sẻ: “Trong tương lai tôi mong có những sân chơi, cơ hội tiếp xúc với những nghệ sĩ nước ngoài hoặc Việt Nam và có cơ hội hợp tác. Đặc biệt tôi mong đưa tiếng kèn của mình hợp tác với những dự án đó”.