Theo các doanh nghiệp du lịch lữ hành và chủ cơ sở lưu trú, tháng 9 hằng năm là thời điểm lượng khách quốc tế có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ mới đón 1,2 triệu khách trên mục tiêu 5 triệu khách trong năm 2022.
Chỉ báo phục hồi còn mong manh
Trải qua hai kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Lễ Quốc khánh 2-9, Việt Nam đã ghi nhận được những dấu hiệu phục hồi trong du lịch. Các khách sạn, cơ sở lưu trú có độ phủ phòng tăng, giá vé tàu xe, vé máy bay nóng dần theo từng giờ. Nhiều tour nghỉ dưỡng có độ bán chạy cao, du lịch dần dịch chuyển và đổi mới để phù hợp với xu hướng sau đại dịch.
Theo anh Nguyễn Long Vũ (chủ Homestay tại Hà Nội và Đà Lạt), lượng khách nước ngoài đến cơ sở lưu trú của anh bắt đầu tăng dần khi khí hậu nước ta đang bước vào mùa thu - đông. Tuy nhiên, so với thời điểm trước dịch, lượng khách này vẫn còn rất ít chỉ chiếm khoảng 10 - 15%. 90% còn lại là khách trong nước và khách địa phương.
“Để thích nghi với khẩu vị thực khách quốc tế sau đại dịch, chúng tôi có tổ chức thêm các tour, quảng bá thêm các địa điểm mới tại khu vực lân cận Hà Nội. Chẳng hạn như Ninh Bình, Hà Nam cũng đang là điểm đến mới nổi trong thời gian gần đây. Du khách có thể lựa chọn một ngày tham quan tại đây. Sau thời gian triển khai, nhiều người cũng biết đến và lựa chọn các combo tour trong ngày như này của homestay”, anh Long Vũ cho biết.
Không chỉ các khách sạn, homestay, các doanh nghiệp dịch vụ khác trong lĩnh vực du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề và chưa có dấu hiệu phục hồi. Mới đây, Công ty dịch vụ hàng không Taseco, chủ sở hữu nhiều cửa hàng đồ lưu niệm, đồ ăn và phòng chờ thương gia tiếp tục báo lỗ sau 6 tháng đầu năm 2022. Theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nếu đơn vị này 3 năm báo lỗ liên tục sẽ có khả năng hủy niêm yết.
Số liệu được công bố từ Taseco cho thấy, mức lỗ trong hai năm 2020 và 2021 lần lượt là 49 tỷ đồng và 118 tỷ đồng. Cho đến năm 2022, dù các nhóm ngành khách trong du lịch đã dần phục hồi và vươn lên tuy nhiên Taseco vẫn phải chịu mức lỗ 7,5 tỷ đồng dù doanh thu đã chạm mức 202 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, hàng không quốc tế đang phục hồi khá chậm so với các ngành khác, một số chỉ báo cho thấy sự tăng trưởng không được như kỳ vọng hay mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, sức mua cũng giảm đáng kể khiến các con số doanh nghiệp nhận được chỉ ở mức âm.
Phát triển du lịch đêm ở Việt Nam
Hiện nay, trên các kênh thông tin quốc tế, Việt Nam đang trở thành một điểm đến đáng được chú ý. Mới đây CNN đã bình chọn Thủ đô Hà Nội là một điểm du lịch lý tưởng bởi các lý do sau đây: Thời tiết của Hà Nội vào mùa thu rất dễ chịu, văn hóa ẩm thực đa dạng thuộc hàng đầu các nước Đông Nam Á, các địa điểm tham quan, kiến trúc độc đáo đậm chất cổ xưa.
Thành phố Hà Nội đang được đặt ngang hàng với các địa điểm du lịch quốc tế như thành phố Mexico (Mexico) hay Madrid (Tây Ban Nha)... Còn theo Google Destination Insights, TP Hồ Chí Minh là thành phố đáng mong đợi nhất. Nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng tại đây tăng 2,4 lần so với năm trước.
Nhằm làm rõ xu hướng của du khách, mới đây, Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục du lịch) đã chỉ ra rằng du lịch đêm ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở chợ đêm và phố đi bộ, cửa hàng tiện lợi mà chưa có sản phẩm giải trí đa dạng. Đặc biệt, để phục vụ du khách, các yếu tố văn hóa chưa được phát huy hết giá trị để tạo thành dịch vụ phục vụ khách.
Một số giải pháp để phát triển kinh tế du lịch đêm tại Việt Nam, bao gồm: nâng cao nhận thức rằng kinh tế đêm là một bộ phận rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, trong đó kinh tế du lịch đêm là một bộ phận cốt lõi, phát huy các giá trị văn hóa bản địa trong việc tạo dịch vụ phục vụ du khách và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ khách du lịch phải đồng bộ trong hệ sinh thái kinh tế du lịch đêm.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về thương hiệu nhận định rằng, Việt Nam sở hữu những tài nguyên du lịch độc đáo và cần chú trọng hơn vào các mặt như: tự nhiên, văn hóa, ẩm thực và các bãi biển. Đồng thời, với những nền tảng về du lịch, Việt Nam có thể tạo ra những điểm đến phù hợp với xu hướng và giàu tiềm năng trong bối cảnh hậu Covid-19.