Mặc dù năm học 2018-2019 ở TP HCM chưa chính thức bắt đầu nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh đang rất khó khăn để xin cho con em, nhất là học sinh bậc tiểu học vào hệ bán trú. Nguyên nhân bởi số lượng học sinh tăng và nhu cầu nhiều, trong khi các trường chưa đáp ứng đủ.
Chị Nguyễn Hoàng Giang, một phụ huynh ngụ tại huyện Hóc Môn cho biết, hiện gia đình chị có 2 con đang theo học tiểu học (lớp 5 và lớp 1) của một trường trên địa bàn huyện. Do gia đình mới chuyển về đây vài năm nên chưa có hộ khẩu khiến việc xin cho các con học bán trú rất khó khăn. “2 năm trước, đứa con gái lớn học bán trú dễ dàng nhưng tới năm nay, đứa thứ 2 mới nộp hồ sơ nhập học và xin vào hệ bán trú thì nhà trường nói đã thừa chỉ tiêu. Hiện đang xét các trường hợp có hộ khẩu, đúng tuyến theo quy định. Nếu còn sẽ xét tiếp trường hợp tạm trú, lưu trú. Nếu con không được học bán trú sẽ rất khó khăn bởi cả hai vợ chồng đều làm công ty, từ sáng tới chiều mới về, không ai có thời gian đón con buổi trưa”- chị Giang kể. Được biết, nếu không được học bán trú, các học sinh tiểu học sau khi học xong buổi sáng sẽ phải về nhà. Tuy nhiên, với nhiều gia đình ở TP HCM, việc đón con vào giờ giữa trưa là điều không thể bởi nhiều phụ huynh phải đi làm từ sáng tới chiều.
Không chỉ có học sinh ở trên địa bàn huyện Hóc Môn, tại các quận huyện như Tân Phú, Gò Vấp, Bình Chánh… tình hình cũng hết sức căng thẳng, khi số lượng học sinh bậc tiểu học tăng mạnh mà cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đúng nhu cầu. Để đáp ứng nhu cầu thực tế này, nhiều cơ sở gần các trường tiểu học đã nảy ra sáng kiến mở ra các lớp, cơ sở bán trú để phục vụ học sinh. Theo đó, học sinh tiểu học nếu không học bán trú ở trường sẽ được các cơ sở này nhận đón sau giờ học buổi trưa và tiếp tục giữ các em cho tới chiều để cha mẹ đón về. Một phụ huynh ở quận Tân Phú cho biết, các cơ sở giữ trẻ bán trú hiện nay khá nhiều nhưng giá cũng rất cao. “Họ lợi dụng nhu cầu và tình thế của phụ huynh không đủ điều kiện học bán trú nên tăng học phí rất cao. Tuy nhiên, gia đình không còn cách nào khác buộc phải chấp nhận cho con học buổi sáng ở trường, buổi chiều ở cơ sở tư thục vì hiện gia đình chưa có hộ khẩu thành phố”, người này cho biết. Ngoài các cơ sở này, nhiều giáo viên tiểu học ở các trường tiểu học công lập cũng nhận giữ và đưa đón học sinh bán trú theo nhu cầu của phụ huynh. Theo đó, sau khi hết giờ học, giáo viên sẽ đưa các em về nhà, nhận giữ tới chiều để cha mẹ đón về. Các chi phí được thỏa thuận riêng giữa phụ huynh và giáo viên.
Theo đại diện Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2018-2019 tăng tới 67.234 học sinh, riêng bậc tiểu học là khoảng 26.000 học sinh đã gây nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị. Đây là số tăng kỷ lục bởi thông thường, các năm trước, dù có tăng nhưng mỗi năm, chỉ khoảng 15.000 học sinh so với năm học trước. Cụ thể, số lượng phòng học, dịch vụ bán trú không tăng kịp khiến cho nhu cầu bán trú của nhiều học sinh không được đáp ứng. Theo một lãnh đạo ngành giáo dục thành phố, để giải quyết vấn đề này, thành phố thường linh động cho phép các trường được tăng sĩ số các lớp học ở mức cho phép (trên 35 học sinh/lớp).
Tuy nhiên hiện nay, sĩ số của các lớp hầu hết đã ở giới hạn nên không thể tiếp tục tăng lên mà các phòng học mới, nhân sự nấu ăn, quản nhiệm bán trú… chưa tăng kịp để đáp ứng. Ngoài ra, lãnh đạo này cũng thông tin, năm học nào TPHCM cũng đầu tư xây mới hệ thống trường lớp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Như năm học 2018-2019, số phòng học trên địa bàn tăng 641 phòng cùng 241 phòng học được xây mới thay thế. Trong số này, số phòng học phục vụ bậc tiểu học tăng nhiều nhất, là 369 phòng.