Quốc tế

Châu Á chống lừa đảo trên mạng

Thế Tuấn 12/11/2024 10:31

Một số quốc gia châu Á đã trở thành "điểm nóng" của các chiêu trò đóng giả thanh tra, cảnh sát, phẩm thán... để lừa đảo trực tuyến.

Anh bai tren
Nhiều nạn nhân đã bị chiếm đoạt tài sản bởi tội phạm lừa đảo qua mạng. Ảnh: minh họa.

Theo Báo cáo tội phạm mạng của Ấn Độ, khoảng 668 triệu USD (tương đương gần 17.000 tỷ đồng) đã bị đánh cắp do gian lận từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2023. Ông S.P.Oswal (82 tuổi, ở Ấn Độ) đã bị lừa đảo mất khoảng 70 triệu rupee (tương đương 21 tỷ đồng). Ông là Chủ tịch kiêm Giám đốc của Vardhman Group, một công ty sản xuất hàng dệt may. Sau khi nhận được một cuộc gọi video thông báo rằng ông có liên quan đến một vụ rửa tiền, hoảng sợ nên ông đã chuyển số tiền lớn vào nhiều tài khoản ngân hàng. Những kẻ lừa đảo đã sử dụng tài liệu giả và điều chỉnh giọng nói thành giọng của Chánh án Ấn Độ để thuyết phục ông Oswal rằng cuộc điều tra là thật và ông phải gửi tiền.

Ông Prashant Mali - chuyên gia về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo cho biết, lừa đảo kỹ thuật số bằng cách giả danh các quan chức thực thi pháp luật và đe dọa lừa tiền từ người dùng thường thông qua các cuộc gọi thoại và video cho nạn nhân, thậm chí tìm cách để họ không thể gọi điện hay báo cho gia đình và bạn bè. Những người giàu có lớn tuổi, không rành về công nghệ là những người dễ trở thành nạn nhân nhất.

Ngày 10/11, theo Cổng thông tin báo cáo tội phạm mạng quốc gia Ấn Độ, trong vòng 1 năm, hơn 2,1 triệu khiếu nại đã được ghi nhận. Còn theo Trung tâm Điều phối tội phạm mạng nước này trung bình có khoảng 7.000 khiếu nại về tội phạm mạng được ghi nhận mỗi ngày.

Còn tại Singapore, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng và công ty viễn thông tăng trách nhiệm bảo vệ người dùng trước nguy cơ lừa đảo qua mạng. Quy định sẽ có hiệu lực từ 16/12.

Quy định mới này mang tên “Khuôn khổ chia sẻ trách nhiệm” do Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Cơ quan Phát triển thông tin truyền thông ban hành. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải nâng cao bảo mật bằng cách thiết lập thời gian chờ 12 giờ sau khi kích hoạt mã thông báo bảo mật kỹ thuật số, tăng cường giám sát và cung cấp cảnh báo theo thời gian thực khi có giao dịch đáng ngờ. Trong khi đó, các công ty viễn thông sẽ phải chặn các tin nhắn định danh từ người gửi không được ủy quyền và triển khai bộ lọc chống lừa đảo cho tất cả tin nhắn SMS.

Khuôn khổ pháp lý mới cũng quy định rõ về trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố. Ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu không hoàn thành các nghĩa vụ giám sát. Nếu các yêu cầu này cũng không được các công ty viễn thông thực hiện, họ sẽ là đơn vị tiếp theo phải bồi thường. Trong trường hợp cả ngân hàng và viễn thông đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, người tiêu dùng sẽ chịu trách nhiệm về tổn thất.

Một quốc gia châu Á khác là Nhật Bản cũng đã phải tăng cường nhiều biện pháp ngăn chặn tội phạm mạng. Theo cảnh sát Nhật Bản, số vụ tội phạm mạng được phát hiện ở nước này năm 2022 lên tới hơn 12.300. Số vụ truy cập Internet đáng ngờ trung bình mỗi ngày, trong đó có tấn công mạng cũng tăng lên mức cao kỷ lục là 7.707,9 trên mỗi địa chỉ IP, tăng gần gấp 3 so với 2.752 vụ trong năm 2018. Số vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền đã xuất hiện ở 37 trong tổng số 47 tỉnh của Nhật Bản. Dữ liệu cho thấy hơn 50% số vụ tấn công nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng chú ý có nhiều vụ liên quan đến mã độc tống tiền kép khi tin tặc mã hóa và đánh cắp dữ liệu của nạn nhân rồi đòi tiền, nếu không sẽ công khai dữ liệu. Các công ty tham gia khảo sát cho biết tổng chi phí khôi phục hệ thống mất khoảng từ 10 triệu Yen (75.000 USD) đến 50 triệu Yen (375.000 USD). Hầu hết các vụ tấn công bắt nguồn từ nước ngoài.

Kể từ năm 2022, để đối phó với tội phạm mạng ngày một gia tăng, Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản đã thành lập phòng điều tra đặc biệt có nhiệm vụ giải quyết các trường hợp tội phạm mạng nghiêm trọng.

Tại Thái Lan, Cơ quan nghiên cứu thuộc Sở Giao dịch chứng khoán nước này (SET) cho biết, trong vòng một năm, đã ghi nhận tới hơn 218.000 vụ việc liên quan tới tội phạm trên mạng với tổng thiệt hại gây ra lên tới khoảng 930 triệu USD (tương đương 85 triệu Baht mỗi ngày). Phần lớn những thiệt hại này đều là những vụ lừa đảo cá nhân thông qua các băng nhóm giả danh trung tâm hỗ trợ cuộc gọi.

Tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng đa dạng, các hình thức phổ biến bao gồm: Thông báo nhận quà từ nước ngoài làm quen qua mạng rồi yêu cầu người bị hại nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau như cước vận chuyển, thuế, phí… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt; Tự xưng cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra, sau đó khai thác thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt; Thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị, sau đó yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng rồi chiếm đoạt; Đối tượng cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến tài khoản ngân hàng, tiếp đó yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ, nếu không trả các đối tượng khủng bố trên điện thoại, đe dọa tố cáo, gây rối quấy nhiễu…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á chống lừa đảo trên mạng