Quốc tế

Châu Á - Thái Bình Dương chờ khởi sắc

THẾ TUẤN 25/02/2024 08:04

Giữa bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn. Tuy nhiên kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APAC) lại được coi là đang ở thời điểm “chờ khởi sắc”.

anh-bai-chau-a-thai-binh-duong.jpg
Theo IMF, kinh tế Nhật Bản phục hồi sẽ là đầu kéo tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. Ảnh: AFP.

Nhiều tín hiệu tích cực

Châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là APAC) là khu vực nằm gần hoặc nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, bao gồm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á, Đông Nam Á, Australia và châu Úc; với 38 nền kinh tế quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cất cánh, giới chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng điều đó phụ thuộc rất lớn vào sự hồi phục của Trung Quốc, cải thiện tình hình ở Nhật Bản và sự hồi phục của kinh tế Mỹ lẫn châu Âu. Trong khi tới thời điểm này, kinh tế Nhật Bản đã “rời” khỏi vị trí thứ 3 thế giới (4.200 tỷ USD/năm), thay vào đó là kinh tế Đức (4.400 tỷ USD/năm).

Theo các chuyên gia của Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn Moody's - một trong 3 đơn vị đánh giá tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới thì để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc lấy lại phong độ thì phải vượt qua vấn đề rất gai góc là bất động sản. Điều đáng mừng là năm 2024 Bắc Kinh sẽ có thêm chính sách hỗ trợ ngành bất động sản thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà và chủ đầu tư có thể sẽ lớn hơn với lãi suất thấp hơn.

Báo cáo của Moody's cũng kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ có thêm nhiều chương trình kích thích phát triển các ngành như ô tô, thiết bị điện và điện tử công nghệ cao; để được mức tăng trưởng 5% trong năm 2024.

“Để biết chính xác các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc, có lẽ cần chờ đến kỳ họp lưỡng hội vào tháng 3. Đó là 2 cuộc họp thường niên quan trọng diễn ra cùng thời điểm của 2 cơ quan là Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc” - nhận xét của Moody’s.

Trong khi đó, triển vọng của kinh tế Nhật Bản trong năm 2024 là khá khiêm tốn. Mặc dù chính sách tài khóa sẽ giữ cho nền kinh tế không xấu đi, nhưng cũng khó tạo ra tăng trưởng mạnh cho đến giữa năm - thời điểm bắt đầu tăng lương cho lực lượng lao động.

Với nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, những tín hiệu tích cực kéo dài từ khoảng tháng 11/2023 đến tháng 2/2024 cho thấy nhiều khả năng năm nay sẽ về đích sớm. Tuy nhiên, yếu tố được cho là khó lường đến từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (tháng 11/2024).

Theo Moody’s, trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn nhiều thách thức thì kinh tế năm 2024 khu vực Đông Nam Á lại cho thấy nhiều triển vọng. Đặc biệt điều đó được kỳ vọng khi chi tiêu thương mại và đầu tư toàn cầu tăng lên. Tại Đông Nam Á, lạm phát đã được cải thiện trong năm 2023 và du lịch đã thực sự khởi sắc ngay từ đầu năm nay. Nhìn chung, trong cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì kinh tế năm 2024 của các quốc gia Đông Nam Á sẽ bật tăng, chỉ sau Ấn Độ.

OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thường niên của OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm từ 3,1% năm 2023 xuống 2,9% năm 2024; tuy rằng vẫn cao hơn so với mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi cuối năm 2023.

Theo OECD, dù thế thì vẫn cần nhìn nhận lạc quan hơn khi mà kinh tế Mỹ đi lên, bù đắp cho triển vọng u ám của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đối với các nền kinh tế lớn, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1% năm 2024 trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt giúp lương tăng và thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang (Fed) giảm lãi suất. Trong khi đó OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 là 4,7%.

Ở một góc nhìn khác, OECD cảnh báo nếu xung đột lan rộng hoặc leo thang, có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động vận tải ở phạm vi rộng hơn so với dự báo hiện nay, tăng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và đẩy giá năng lượng tăng nếu các tuyến đường biển huyết mạch vận chuyển dầu và khí đốt từ Trung Đông đến châu Á, châu Âu và châu Mỹ bị gián đoạn.

Theo OECD, khoảng 15% khối lượng hàng hóa toàn cầu vận chuyển bằng đường biển di chuyển qua Biển Đỏ. Nếu các tàu chở hàng phải chuyển hướng quanh cực Nam châu Phi sẽ khiến hành trình dài thêm 1,5 lần và chi phí vận chuyển có thể tăng gấp 2 lần.

Đáng chú ý khi giới chuyên gia kinh tế cảnh báo cần tính đến yếu tố bất lợi về biến đổi khí hậu khi mà El Nino chấm dứt và La Nina quay trở lại, cũng như những tác động khó lường của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có thể khiến thất nghiệp gia tăng.

Ông Bob Sternfels - quan chức cấp cao của Công ty tư vấn McKinsey & Company, nhận xét: “Hợp tác giải quyết bất đồng là vấn đề cần bàn nhất lúc này. Nếu không tìm ra được giải pháp, chúng ta sẽ đối diện với những nguy cơ thất bại về tăng trưởng trong năm 2024”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tự tin vào khả năng kinh tế toàn cầu sẽ “hạ cánh mềm” và lãi suất sẽ hạ nhiệt từ khoảng giữa năm 2024. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Chúng tôi đang rất tin tưởng rằng nền kinh tế thế giới sẽ hướng đến một “cú hạ cánh mềm” mà chúng ta từng mơ tới”. Còn theo nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre - Olivier Gourinchas, kinh tế toàn cầu tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi đáng kể nhờ lạm phát giảm đều và tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo những tác động tiêu cực sẽ đến nếu xung đột ở Trung Đông và Biển Đỏ lan rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á - Thái Bình Dương chờ khởi sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO