Châu Á trở lạnh, châu Âu bão lớn

Thanh Đức 06/11/2023 09:23

Không khí lạnh tràn vào Trung Quốc từ ngày 5/11 khiến nhiệt độ giảm mạnh. Sương mù dày đặc ở nhiều bang Ấn Độ trong khi nhiều nước Tây Âu hứng cơn bão sức gió hơn 200km/h.

Thành phố New Delhi (Ấn Độ) chìm trong sương mù. Nguồn: Reuters.

Nhiệt độ giảm đột ngột, sương mù bao phủ

Kể từ tuần này, nền nhiệt ở phần lớn đông bắc Trung Quốc giảm xuống một con số hoặc ở mức đóng băng. Cục Khí tượng Trung Quốc cảnh báo, năm nay mùa đông sẽ đến sớm đối với các quốc gia Đông Bắc Á.

Nhiệt độ đóng băng vào thời điểm này là bất thường song vẫn chưa bằng cách thời tiết đột ngột thay đổi. Chỉ vài ngày trước, nhiều vùng phía bắc Trung Quốc có nhiệt độ cao kỷ lục giữa mùa thu khi vượt quá 30 độ C.

Tại Ấn Độ, người dân New Delhi hôm 4/11 bất ngờ trước màn sương mù dày đặc. Sương mù thường hình thành vào mùa đông, khi không khí lạnh dày đặc giữ lại bụi, khí thải và khói đốt rơm rạ ở các vùng lân cận. Tuy nhiên, lúc này Ấn Độ vẫn đang trong mùa thu, nền nhiệt khá cao.

Sương mù bao trùm thủ đô New Delhi khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Tình trạng ô nhiễm không khí là rất trầm trọng trên toàn thành phố New Delhi nơi hơn 20 triệu người sinh sống. Người dân phàn nàn về tình trạng khó chịu ở mắt và ngứa họng khi không khí chuyển sang màu xám đậm - chỉ số AQI dao động quanh mức 480 tại một số trạm quan sát. Trong khi đó, chỉ số AQI từ 0 - 50 được coi là chất lượng không khí tốt, còn chỉ số AQI từ 400 - 500 sẽ ảnh hưởng đến người khỏe mạnh và là mối nguy hiểm đối với những người đang mắc bệnh.

Bác sĩ Aheed Khan làm việc tại một bệnh viện công ở New Delhi cho biết, số trẻ bị ho, khó thở và thở gấp phải điều trị tăng lên nhanh chóng khi các tòa nhà dân cư, đường phố và sân vận động bị bao phủ trong màn sương mù. Các công viên như Lodhi Garden và India Gate - những nơi thường có đông dân cư đến tập thể dục - bỗng chốc vắng vẻ do ô nhiễm không khí đáng báo động.

Người dân New Delhi đã đổ xô đi mua máy lọc không khí khi mà giới chức thông báo chất lượng không khí sẽ chưa thể cải thiện. Ông Ashwani Kumar - Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Delhi cho biết, mức độ ô nhiễm này sẽ kéo dài từ 2 đến 3 tuần.

Năm ngoái, Bhiwadi ở miền bắc Ấn Độ là thành phố ô nhiễm không khí nhất trên cả nước và đứng thứ 3 thế giới (theo tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ). New Delhi đứng thứ 4. Nhưng tới thời điểm ngày 5/11/2023, theo IQAair, New Delhi đã đứng đầu danh sách về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, cao hơn 104 lần so với ngưỡng lành mạnh do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra.

Bão Ciaran càn quét Italy, rừng Tây Ban Nha bốc cháy

Trong khi không khí lạnh ùa về sớm và sương mù bất thường tại nhiều quốc gia châu Á, bão Ciaran càn quét khu vực Tây Âu khiến hơn 10 người thiệt mạng. Cơn bão sức gió hơn 200km/giờ đổ bộ vào Montemurlo và vùng Tuscany của Italy. Ông Eugenio Giani - chủ tịch vùng Tuscany cho biết, mưa lớn do bão Ciaran đã gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, giao thông hỗn loạn. Lượng mưa 200mm kéo dài nhiều giờ trút xuống miền trung Italy khiến mực nước các con sông dâng cao.

Bộ Quốc phòng Italy điều trực thăng, xe tải và máy bơm nước đến khu vực ngập lụt nhằm hỗ trợ lực lượng cứu hộ. Trong khi đó, Cơ quan bảo vệ dân sự Italy cảnh báo mưa lớn và gió mạnh đối với các khu vực Veneto, Friuli Venezia Giulia. Hiện tượng thời tiết này có thể “tái lập” vào đầu tuần này.

Bão Ciaran còn khiến Pháp, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức mỗi nước một người thiệt mạng, do gió cây đổ. Sóng biển cao tới 9 m dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Hàng không, đường sắt và đường thủy ở nhiều quốc gia Tây Âu phải hủy chuyến.

Trong khi đó, cháy rừng bùng phát tại một thị trấn ven biển Gandia vùng Valencia của Tây Ban Nha. Khoảng 2.500 cư dân ở các làng Potries và Ador được đặt trong tình trạng báo động. 800 người phải sơ tán. Nhà chức trách địa phương ước tính, cháy rừng thiêu rụi 1.000 - 1.400ha. Chính quyền vùng Valencia đã đề nghị quân đội cử lính cứu hỏa hỗ trợ dập tắt cháy rừng.

Tây Ban Nha hứng chịu tình trạng khô hạn kéo dài trong hai năm qua. Hạn hán và nhiệt độ cao trên mức bình thường trong suốt mùa hè vừa qua và thời gian đầu mùa thu năm nay đã khiến các đám cháy rừng lan rộng.

Một nghiên cứu của Viện Chính sách năng lượng (EPIC) Đại học Chicago (Mỹ) cho rằng khu vực Nam Á bao gồm các quốc gia ô nhiễm nhất thế giới như Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan, chiếm hơn một nửa tổng số năm sống bị giảm đi do ô nhiễm trên toàn cầu. Mức độ ô nhiễm dạng hạt (bụi mịn) hiện cao hơn 50% so với 20 năm trước. Nếu tình trạng này kéo dài, EPIC cho rằng mỗi người dân khu vực Nam Á có thể mất trung bình 6,8 năm tuổi thọ so với 3,6 tháng ở Mỹ. Trong khi đó, theo WHO, nếu bụi mịn giảm xuống mức không gây ô nhiễm không khí thì tuổi thọ trung bình của con người có thể tăng thêm thêm 2,3 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á trở lạnh, châu Âu bão lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO