Quốc tế

Châu Á trong ‘chảo lửa’ mùa hè

THẾ TUẤN 05/05/2024 07:24

Bước sang tháng 5, nhiều quốc gia châu Á oằn mình dưới những đợt nắng nóng gay gắt. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc, châu Á đang ấm lên với tốc độ đặc biệt nhanh.

111.jpg
Đường phố Bangkok (Thái Lan) trong ngày nắng nóng cuối tháng 4/2024. Ảnh: AFP.

Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho biết, tác động của các đợt nắng nóng ở châu Á ngày một trở nên nghiêm trọng hơn. Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ năm 2023 cao hơn gần 2 độ C so với mức trung bình từ năm 1961 đến năm 1990. Trong 4 tháng đầu năm 2024, nền nhiệt tiếp tục tăng so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, tín hiệu rõ ràng về một mùa hè dữ dội.

Vẫn theo WMO, năm 2023, có tới 79 thảm họa do hiểm họa thời tiết liên quan đã được ghi nhận ở châu Á. Trong đó, hơn 80% là lũ lụt và bão, với hơn 2.000 người chết và 9 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

"Điều bắt buộc là các hành động và chiến lược của chúng ta phải phản ánh tính cấp bách của thời điểm này. Giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ là một lựa chọn mà còn là một điều cần thiết cơ bản" - theo bà Saulo.

Riêng khu vực Đông Nam Á, trong suốt tháng 4, nắng nóng bao trùm nhiều quốc gia và dự báo sẽ kéo dài. Theo nhà khí hậu học Herrera thì Đông Nam Á là nơi sinh sống của hơn 675 triệu người tại 11 quốc gia. Đây sẽ là nơi chịu tác động rõ rệt nhất của nắng nóng ở mức độ có thể chưa từng thấy.

"Chúng tôi nghĩ rằng nhiệt độ mùa hè năm 2023 đã là đỉnh. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong tháng 4/2024 đã cho thấy những tháng cao điểm mùa hè sắp tới còn dữ dội hơn. Đáng tiếc xu hướng này là không thể tránh khỏi. Khu vực Đông Nam Á phải chuẩn bị cho đợt nắng nóng khủng khiếp kéo dài hầu như cả tháng 5” - tiến sĩ Herrera nói, đồng thời cho biết nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á đã tăng lên mỗi thập niên kể từ năm 1960. Một trong những đặc điểm đáng lo ngại nhất là nó lan rộng, kéo dài và không thấy hồi kết.

Tại Malaysia, chính quyền đã phải sử dụng công nghệ gây mưa nhân tạo cho những vùng khô hạn nhất, nơi ghi nhận có người đã chết vì say nắng. Nắng nóng kéo dài dẫn đến 300 vụ cháy tại các trang trại, đồn điền và những vạt rừng tại vùng Sabah trên đảo Borneo. Còn ở quốc đảo Sư tử Singapore, nhiều trường học đã yêu cầu học sinh mặc đồ tập thể dục rộng rãi, mát mẻ hơn. Tương tự, hàng trăm trường học ở Philippines, kể cả các trường học ở thủ đô Manila cũng từng phải cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ lên đến mức không thể chịu nổi.

Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, Thái Lan được cho là quốc gia nóng nhất kể từ cuối tháng 2 đến nay. Chính quyền đã buộc phải liên tục ra khuyến cáo người dân cẩn thận trước nguy cơ sốc nhiệt. Bà Achara Nithiaphinyasakul - Cục trưởng Cục Sức khỏe (Bộ Y tế công cộng Thái Lan) cho biết, nắng nóng cực đoan sẽ còn kéo dài tại nước này, vì thế người dân cần đặc biệt lưu ý tự bảo vệ sức khỏe.

Tính đến hết tháng 4/2024, có 15/76 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc trung ương của Thái Lan luôn ở trong tình trạng nhiệt độ trên dưới 40 độ C (khung giờ cao điểm). Theo tờ The National, Thái Lan có hệ thống 4 cấp độ màu để báo động nắng nóng, trong đó cấp đỏ là mức cực kỳ nguy hiểm khi nhiệt độ ngoài đường lên 50 độ C.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Achara, chỉ cần mức nhiệt lên tới 40 độ C thì người ta cũng đã có thể bị sốc nhiệt: da ửng đỏ, mạch đập nhanh, đau đầu, chóng mặt, nôn ói, mất tỉnh táo. Một số trường hợp sốc nhiệt nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Bà Achara khuyến cáo người dân khi có triệu chứng sốc nhiệt cần nhanh chóng làm mát cơ thể bằng cách chườm đá hoặc vải mát, đặt biệt là ở các vị trí như gáy, nách và bẹn trước khi đến bệnh viện.

Thái Lan đã ghi nhận 131 ca tử vong vì sốc nhiệt trong giai đoạn 2019-2023, trung bình 26 ca mỗi năm. Phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi và lao động phổ thông.

Ông Ritthiron, cư dân thủ đô Bangkok cho biết, thành phố vốn đã đông đúc ngày càng ngột ngạt hơn vì nắng nóng khiến cho những con đường như bốc khói. “Hằng ngày, từ 10 giờ cho tới 5 giờ chiều, ai cũng ngại ra đường. Mùa hè năm nay thật đáng sợ khi mà nắng như đổ lửa còn mưa thì vắng bóng” - ông Ritthiron than thở.

Theo Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PASAGA), dự báo năm nay nhiều cơn bão sẽ vào Biển Đông. Tờ Inquirer dẫn lời Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines Renato Solidum Jr. cho biết, dự kiến có 13 - 16 cơn bão trong năm nay, tăng từ 11 cơn bão vào năm 2023. Trong tháng 5, có thể có 3-4 cơn bão. Mùa bão sẽ tập trung từ tháng 7 đến tháng 9. Đáng chú ý bão mạnh lên nhanh hơn, đổ bộ sớm hơn do đó các cộng đồng cần chuẩn bị sẵn sàng mọi lúc để ứng phó với bão.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á trong ‘chảo lửa’ mùa hè