Châu Á trong làn sóng Covid-19 mới

Thanh Đức 25/04/2023 05:49

Tại thông báo mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện thời vẫn chưa tắt “công tắc đại dịch Covid-19”. Theo tiến sĩ Michael Ryan - Giám đốc WHO phụ trách về các trường hợp khẩn cấp, các loại virus đường hô hấp không tự động chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn lưu hành, “có thể hiện nay là giai đoạn chuyển tiếp”.

Phòng Covid-19 nhiều người chủ động đeo khẩu trang nơi công cộng. Nguồn: AFP.

Đầu tháng 5, WHO sẽ đưa ra quyết định về dịch Covid-19

Ông Michael Ryan cho rằng trong giai đoạn chuyển tiếp thì đỉnh dịch có thể xảy ra theo mùa. Với Covid-19, nhiều khả năng virus tiếp tục theo con đường gập ghềnh, trước khi dẫn đến một mô hình dễ đoán định hơn. Đầu tháng 5 tới, WHO sẽ cân nhắc đưa ra quyết định liệu virus có còn các yếu tố cấu thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không.

Đây sẽ là quyết định quan trọng tiếp theo sau hơn 3 năm khi vào ngày 11/3/2020 WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Đại diện WHO cũng cho biết, Covid-19 đã lắng xuống trên phạm vi toàn cầu kể từ tháng 8/2022. Tuy nhiên trong tháng 4 này, có nhiều ca nhiễm mới tại châu Á, song không nặng và cũng rất ít ca tử vong. Đợt lây nhiễm Covid-19 mới này là do sự kết hợp của các biến thể phụ XBB - một chủng của Omicron. Tới ngày 24/4, WHO cho biết biến thể phụ XBB.1.16 đã xuất hiện ở 23 nước.

Cho dù tình hình không nghiêm trọng nhưng các quốc gia châu Á đã có những biện pháp ứng phó cần thiết.

Không hoang mang dù là “tâm dịch”

Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới ở mức tương đối cao trong tuần thứ 3 của tháng 4 với khoảng 10.000 trường hợp mỗi ngày. Các quốc gia “vành đai” như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran… cũng ghi nhận số ca mắc mới gia tăng. Xét theo quốc gia châu Á, số ca mắc mới ở Nepal tăng nhanh nhất, tiếp đến là Ấn Độ, khoảng gấp 8 lần so với thời điểm cuối năm 2022.

Tiến sĩ Michael Ryan cho biết virus biến đổi liên tục và cũng cố gắng lẩn tránh các hệ thống miễn dịch của con người, vì vậy chúng ta phải nâng cao cảnh giác. Tuy độc lực của XBB.1.16 không cao nhưng vẫn được xác định là nguy hiểm đối với người trên 60 tuổi và người suy giảm hệ thống miễn dịch. Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong giới nghiên cứu vi trùng học cho rằng sự gia tăng các ca mắc Covid-19 là dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 đang chuyển sang trạng thái đặc hữu, khi mà hầu hết ca bệnh có triệu chứng và mức độ bệnh khá nhẹ.

Tại Hàn Quốc, tới ngày 24/4, số ca mắc mới đã giảm trong khi trước đó 5 ngày số ca mắc tăng. Riêng trong ngày 20/4, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc công bố ghi nhận hơn 14.000 ca mắc Covid-19 mới. Trước đó, từ tháng 2/2023, Hàn Quốc đã nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch, kể cả không khuyến cáo đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết, nước này đã hoàn tất việc xây dựng sửa đổi các quy định phòng dịch Covid-19. Đầu tháng 5 tới sẽ hạ mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19 từ “nghiêm trọng” xuống mức “cảnh báo” trong trường hợp WHO dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân Hàn Quốc vẫn chủ động đeo khẩu trang khi ra đường.

Tại Thái Lan, Tết Songkran vừa diễn ra với khoảng 4 triệu người đi lại, nhưng theo tiến sĩ Supakit Sirilak - Cục trưởng Khoa học y tế (Bộ Y tế Thái Lan) thì vẫn cần thêm thời gian để đánh giá cụ thể về tốc độ lây nhiễm của chủng XBB.1.16, nhưng “tôi không cho rằng XBB.1.16 có độc lực mạnh như Delta”.

Tương tự, tờ Straitimes dẫn lời Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho rằng, tuy số ca mắc tại nước này có tăng lên nhưng không có bằng chứng cho thấy chủng XBB gây bệnh nặng hơn.

Ngay cả tại Ấn Độ, nơi đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng cao ở hầu hết các địa phương, giới chức y tế cũng cho rằng dịch bệnh đã đi vào giai đoạn bệnh đặc hữu giống cúm mùa. Bác sĩ Vijay Kumar Gurjar - Bệnh viện Chuyên khoa Primus Super (New Delhi) chia sẻ, mọi người cần học cách sống chung với virus trong thời gian dài vì cuộc sống hàng ngày vẫn phải tiếp tục.

Trong khi đó, ngày 24/4, thông tin từ Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết, 2 bang Haryana và Kerala đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trường học; đặc biệt là với phụ nữ có thai, người già và những người mắc bệnh mãn tính.

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã đưa ra quyết định bãi bỏ bắt buộc đeo khẩu trang tại các cuộc gặp mặt đông người, hội họp dưới mọi hình thức. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các cổ động viên tham gia cổ vũ tại SEA Games 32 sẽ chính thức khai mạc vào lúc 18 giờ, thứ 6, ngày 5/5 tới.

Trước đó, thông tin từ ban tổ chức cho biết, bóng đá nam SEA Games 32 sẽ có trận đấu đầu tiên vào ngày 29/4, trên sân vận động Quốc gia Morodok Techo, ngoại ô thủ đô Phnom Penh (Campuchia), với 60.000 chỗ ngồi.

Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron là nguyên nhân khiến ca bệnh gia tăng ở một số nước châu Á. XBB.1.16 được phát hiện lần đầu vào cuối tháng 1 năm nay. WHO cho biết triệu chứng của XBB.1.16 giống với các biến thể trước đó, bao gồm sốt, khó thở và ho. Một nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho thấy XBB.1.16 có khả năng lây truyền cao gần 1,2 lần so với XBB.15 (còn được biết đến với tên Kraken) và trở thành biến thể phụ có khả năng lây nhiễm cao nhất hiện nay, nhưng không dẫn đến gia tăng số người phải nhập viện. Tuy nhiên, theo giáo sư Lawrence, ngành virus học (Đại học Warwick, Vương quốc Anh) thì “chúng ta vẫn chưa ra khỏi khu rừng và vẫn phải để mắt đến nó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á trong làn sóng Covid-19 mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO