Liên tiếp xuất hiện những vụ tấn công, những lời đe dọa khủng bố ở Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Điển trong hai tuần qua.
Sau vụ 2 công dân Thụy Điển bị sát hại ở Bỉ tối 16/10, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson kêu gọi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tăng cường kiểm soát an ninh. Tổng thống Pháp Macron cảnh báo, các quốc gia châu Âu đều dễ bị tổn thương trước sự quay trở lại của "chủ nghĩa khủng bố".
Những ngày qua, Pháp là quốc gia “rúng động” vì các vụ khủng bố, đe dọa khủng bố. Nhiều lãnh đạo đất nước phải sơ tán vì lý do an ninh. Đội rà phá bom mìn được điều động làm nhiệm vụ ở nhiều nơi. Những điểm thu hút du khách bậc nhất thủ đô Paris liên tục bị buộc dừng hoạt động. Cung điện Versailles đóng cửa 7 lần trong vòng 8 ngày do cảnh báo có bom. Bảo tàng Louvre đóng cửa một lần với lý do tương tự.
Vụ tấn công nhằm vào trường trung học Gambetta Carnot ở tỉnh phía bắc Pas de Calais khiến một giáo viên thiệt mạng làm dấy lên lo ngại nạn khủng bố quay trở lại, với những đối tượng hoạt động riêng lẻ tự xưng là “sói đơn độc”.
Trước nhiều vụ dọa đánh bom, ông Clement Beaune - Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp cho biết, tần suất tuần tra an ninh tại các sân bay ở Paris sẽ được tăng thêm 40%, nhân viên tại công ty đường sắt quốc gia SNCF sẽ được tăng cường thêm 20%. Cảnh sát cũng sẽ được bố trí dày hơn để theo sát các diễn biến ở nhà ga.
Từ ngày 18 tới 29/10, có 70 vụ dọa đánh bom tại các sân bay ở Pháp. Ông Beaune cảnh báo rằng, đây không phải "những trò đùa” mà là “tội ác nghiêm trọng". Ai hù dọa khủng bố sẽ bị phạt 2 năm tù và 30.000 euro (780 triệu đồng). Công tố viên Paris Laure Beccuau cảnh báo hình phạt có thể nghiêm khắc hơn, đe dọa đánh bom sẽ được coi là một hình thức "bạo lực tâm lý" có chủ đích.
Nói với tờ Le Parisien, bà Beccuau cho biết hành vi này có thể bị phạt 3 năm tù và 45.000 euro. Theo truyền thông Pháp, tuyên bố của bà Beccuau không chỉ nhắm tới việc một thiếu niên ở Saint Ouen L'Aumone dọa đánh bom trường học khiến 1.000 học sinh phải sơ tán cho dù cảnh sát không tìm thấy chất nổ.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond Moretti, 22 cuộc điều tra đã được tiến hành do báo động sai. Đa số đe dọa nhằm vào các sân bay lớn của Pháp, dẫn đến việc phải sơ tán, hàng chục chuyến bay bị hủy. Những lời hù dọa khủng bố ảnh hưởng tới ít nhất 14 sân bay.
Không chỉ Pháp, Bỉ, Thụy Điển... Đức cũng đang phải đối đầu với nguy cơ khủng bố. Tại thành phố Mainz, cảnh sát nhận được tin báo đe dọa đánh bom trụ sở đài truyền hình ZDF khiến 600 người buộc phải sơ tán. Trước đó, hai đối tượng ném bom xăng vào một giáo đường tại thủ đô Berlin. Rất may không có thương vong.
Những ngày qua, ít nhất 11 trường học ở các thành phố Augsburg, Regensburg và Cham (bang Bayern), Karlsruhe và Mannheim (bang Baden Wurttemberg), Solingen và Wuppertal (bang Nordrhein Westfalen), Chemnitz và Dresden (bang Sachsen) và Erfurt thuộc bang Thuringen đã nhận được lời đe dọa đánh bom.
Mới đây cảnh sát Đức bắt giữ 7 đối tượng với nhiều quốc tịch do nghi ngờ có kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công nhằm gây chấn động. Các đối tượng này được cho là quen biết nhau, cùng lên kế hoạch hành động và tìm cách gây quỹ mua vũ khí.
Nguy cơ khủng bố lan tràn trong khối, các nước EU đã có những bước hợp tác cùng hành động. Pháp, Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan đã lên kế hoạch chung. Theo Cơ quan điều phối phân tích mối đe dọa của Bỉ (OCAM), cần có sự phối hợp liên quốc gia trong các cuộc truy quét tội phạm khủng bố. Điều phối viên quốc gia về chống khủng bố và an ninh (NCTV) Hà Lan lưu ý, những tín hiệu xuất hiện ngày càng nhiều cho thấy các nhóm khủng bố có thể sẽ mở rộng hoạt động.
EU đã phát động chiến dịch quy mô lớn, với sự phối hợp của nhiều quốc gia nhằm phát hiện và ngăn chặn các âm mưu khủng bố. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, EU vẫn cần duy trì cảnh giác vì chỉ cần một chút lơ là cũng có thể tạo điều kiện cho những cuộc tấn công đẫm máu.
Hiện một số nước EU thuộc Schengen (khu vực gồm 27 quốc gia châu Âu công dân nội khối được tự do qua biên giới không cần hộ chiếu) đã tăng cường kiểm soát biên giới trong bối cảnh di cư bất hợp pháp, bạo lực và khủng bố gia tăng.
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic tuyên bố tạm thời tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia sau khi chính phủ Slovenia quyết định triển khai kiểm soát biên giới với Croatia và Hungary. Italy đã tạm thời đình chỉ các quy tắc Schengen của EU về đi lại mở, kích hoạt lại các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết, việc tạm dừng thực thi Hiệp ước Schengen về đi lại tự do ở châu Âu là cần thiết do tình hình ngày càng phức tạp. Đức cũng đã thông báo cho Ủy ban châu Âu (EC) về kiểm soát tạm thời tại biên giới nước này với Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ khi các sự cố an ninh có dấu hiệu gia tăng.
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic tuyên bố tạm thời tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia, sau khi chính phủ Slovenia quyết định triển khai kiểm soát biên giới với Croatia và Hungary. Italy đã tạm thời đình chỉ các quy tắc Schengen của EU về đi lại, kích hoạt lại các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia.