Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư mới

Hà Anh (tổng hợp) 13/08/2021 10:00

Các cuộc giao tranh dữ dội ở Afghanistan đang khiến hơn 400.000 người dân phải rời bỏ nhà cửa. Đây cũng chính là “vấn đề” đối với châu Âu, bởi những người xin tị nạn vào “lục địa già” ngày một tăng, trong khi khối này chưa sẵn sàng ứng phó với một cuộc khủng hoảng di cư mới.

Đắn đo giữa nhận và trả

Ngày 12/8, Đức và Hà Lan đã có quyết định đánh dấu một sự thay đổi lớn so với quan điểm cứng rắn trước đó đối với người di cư từ Afghanistan. Chính phủ hai nước này đã quyết định đình chỉ việc trục xuất người tị nạn Afghanistan với lý do tình hình an ninh ở quốc gia Tây Nam Á đang ngày một xấu đi trong bối cảnh phiến quân Taliban đẩy mạnh các cuộc tấn công.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Steve Alter cho biết: “Do những diễn biến hiện tại liên quan tới tình hình an ninh, Bộ trưởng Nội vụ đã quyết định tạm dừng việc trục xuất người tị nạn Afghanistan”.

Tương tự, Bộ trưởng Tư pháp và An ninh Hà Lan Ankie Broekers-Knol cũng công bố “lệnh tạm hoãn thực thi quyết định trục xuất”. Trong thư gửi Quốc hội Hà Lan, bà Broekers-Knol nêu rõ, lệnh đình chỉ trục xuất “sẽ có hiệu lực trong 6 tháng và sẽ áp dụng đối với người nước ngoài có quốc tịch Afghanistan”.

Quan điểm trên đã được thay đổi chỉ sau 1 ngày khi hôm 11/8, 6 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hà Lan và Áo, đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu yêu cầu tiếp tục trục xuất người di cư Afghanistan, dù Kabul đã kêu gọi các nước châu Âu tạm dừng động thái trên trong 3 tháng tới.

Trong thư, 6 nước trên kêu gọi Ủy ban châu Âu tham gia đối thoại tăng cường với các đối tác Afghanistan về tất cả vấn đề di cư khẩn cấp, trong đó có hợp tác nhanh chóng và hiệu quả việc hồi hương người di cư. Lý do mà các nước này đưa ra là việc ngừng hồi hương sẽ phát đi một tín hiệu sai lầm và có thể thúc đẩy nhiều công dân Afghanistan rời bỏ nhà cửa để đến EU.

6 quốc gia kêu gọi EC xem xét hỗ trợ tốt nhất cho người tị nạn bằng cách tăng cường hợp tác với Afghanistan, Pakistan và Iran.

Ngày 12/8, trả lời Reuters, Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Notis Mitarachi cho biết EU “chưa sẵn sàng và không có năng lực để ứng phó với một cuộc khủng hoảng di cư lớn nữa”, đồng thời cho rằng EU cần hỗ trợ nhiều hơn để Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt sức ép của những người di cư đến từ Afghanistan.

Ông Mitararchi là một trong 6 quan chức đã ký tên vào bức thư chung gửi lên Ủy ban châu Âu (EC). Ông lập luận rằng nếu ngừng trục xuất sẽ gây hiểu lầm và chỉ khuyến khích người Afghanistan tìm đường đến châu Âu.

Khi được hỏi liệu EC có coi Afghanistan là một quốc gia an toàn để những người xin tị nạn có thể quay trở lại hay không, người phát ngôn của EC cho biết, sẽ tùy thuộc vào các quốc gia thành viên để đưa ra phán quyết về vấn đề này.

Vấn đề dự kiến ​​sẽ được đưa ra tại cuộc họp về khủng hoảng di cư của các bộ trưởng nội vụ EU vào ngày 18/ 8, được tổ chức chủ yếu để thảo luận về sự gia tăng người vượt biên trái phép từ Belarus sang các nước thành viên EU như Lithuania, Ba Lan và Latvia.

Nhiều nước thành viên EU đang lo ngại rằng các diễn biến tại Afghanistan có thể làm bùng phát một cuộc khủng hoảng di cư giống như khối từng phải đối mặt năm 2015, khi hơn 1 triệu người, hầu hết từ Syria, Afghanistan và Iraq, tìm “miền đất hứa” ở EU.

Chưa tìm được “tiếng nói chung”

Kể từ năm 2015, khoảng 570.000 người Afghanistan đã yêu cầu tị nạn tại EU, chỉ riêng vào năm 2020 đã có 44.000 người.

Theo giới quan sát quốc tế, châu Âu là điểm đến mơ ước của nhiều người di cư nên EU cũng chịu áp lực ngày càng lớn trong vấn đề di cư. Chính sách mới của EU cho phép người lao động có tay nghề cao nhập cư phần nào được cộng đồng quốc tế hưởng ứng, song, điều này không làm nguôi ngoai sự căng thẳng trong vấn đề di cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đánh giá, lượng người di cư đến châu Âu tăng rất mạnh. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 36.000 người di cư, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài những người đến châu Âu để chạy trốn chiến tranh, nghèo đói, một phần rất lớn người di cư đến châu Âu là từ Bắc Phi, họ muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc công việc tốt hơn. Đi kèm với việc tăng lượng người di cư là các vấn nạn nghiêm trọng tương tự như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 như buôn người; người di cư đánh cược mạng sống khi vượt biển; quá tải trại tị nạn...

Sau cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu năm 2015, EU đã cố gắng giảm bớt dòng người di cư bằng cách tìm kiếm thỏa thuận với các nước trung chuyển người di cư như Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Tuy nhiên, tình hình hiện nay và cuộc khủng hoảng tương tự ở biên giới đất liền của Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp vào năm ngoái cho thấy, những thỏa thuận này chưa mang tính căn cơ để có thể giải quyết được thách thức thực tiễn. Thậm chí, các nước trung chuyển dường như đang sử dụng người di cư như công cụ gây sức ép với 27 quốc gia EU.

Giới học giả chỉ ra rằng, một trong những “mấu chốt” trước mắt giúp EU có thể đưa ra những hành động phù hợp với yêu cầu thực tiễn là sự đoàn kết để tìm được tiếng nói chung và thống nhất hành động. Điều EU rất cần lúc này là đạt được cơ chế cân bằng hợp lý để tất cả quốc gia thành viên cùng chia sẻ lợi ích cũng như gánh nặng.

Nói về vấn đề người di cư ở châu Âu, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho rằng, các nhà lãnh đạo EU là “chìa khóa” quan trọng trong nỗ lực toàn cầu giải quyết vấn đề người di cư. Trong khi một quan chức cấp cao của EU đánh giá, tình hình hiện nay vẫn ít kịch tính hơn các cuộc khủng hoảng gần đây ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, việc bắt buộc trả lại những người xin tị nạn sẽ rất khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư mới