Thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua khiến các vụ cháy rừng gia tăng gây thiệt hại nghiêm trọng. Tuy vậy, những bất cập, hạn chế trong công tác phòng chống cháy rừng vẫn là bài toán chưa tìm được lời giải.
Thời gian gần đây, các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ, theo thông tin tổng hợp của Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), chỉ riêng trong ngày 10/7 vừa qua đã ghi nhận xảy ra 6 vụ cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ.
Cụ thể, tại Hà Tĩnh xảy ra 2 vụ cháy rừng tại xã Sơn Lâm, H.Lương Sơn và xã Thường Nga (H.Can Lộc). Còn tại Quảng Bình, vụ cháy rừng xảy ra tại xã Kim Thủy (H.Lệ Thủy). Tại tỉnh Quảng Trị, cháy rừng xảy tại xã Vĩnh Thủy (H.Vĩnh Linh). Tại Thừa Thiên - Huế, cháy rừng xảy ra ở khu vực núi Tam Thai (P.An Cựu, TP.Huế). Còn tại Nghệ An là cháy rừng thông tại huyện Diễn Châu.
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Nghệ An, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật. Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm cũng nêu rõ, trong tháng 6, số diện tích rừng bị cháy là 88,28 ha.
Có một thực tế rất đáng lo ngại tại Nghệ An là phương án chữa cháy rừng ở một số xã còn sơ sài, chưa sát với thực tiễn. Hay tại tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ, điểm cháy rừng với diện tích cháy 56,164ha tại 7 huyện, thị xã, thành phố.
Về bất cập trong công tác phòng chống cháy rừng, ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho hay, hiện nay vẫn còn một số khó khăn nhất định, trong đó có việc thiếu cơ chế, chính sách để tạo đột phá trong sản xuất lâm nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng mới, chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn gắn với chế biến, phát triển cây dược liệu…
Mới đây, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 30/6 – 4/7, Bộ thành lập 2 Đoàn công tác đến 9 tỉnh miền Trung kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Trong quá trình kiểm tra nhận thấy còn một số vấn đề: Công tác chỉ huy chữa cháy rừng: Lực lượng đông nhưng chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa nhận định sát tình hình diễn biến của đám cháy nên công tác chỉ huy chữa cháy còn lúng túng; Việc kiểm soát nguồn lửa trong thời kỳ cao điểm chưa thực hiện tốt, các địa phương chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, canh gác, ngăn chặn nguồn lửa có nguy cơ gây cháy rừng; Lực lượng tham gia chữa cháy rừng chưa được chi hỗ trợ công chữa cháy rừng thỏa đáng nhằm động viên, khích lệ, nguồn kinh phí cho chữa cháy rừng hạn chế nên trong quá trình chữa cháy rừng chưa làm tốt khâu hậu cần.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, một số chủ rừng chưa làm tốt các phương án phòng cháy (vệ sinh đường băng cản lửa trước mùa cháy, giảm vật liệu cháy, canh gác và phát hiện sớm đám cháy...); chưa trang bị đủ dụng cụ, thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng; chưa được tập huấn về phòng cháy chữa cháy rừng; nên khi có cháy rừng xảy ra, việc chữa cháy có lúc còn gặp khó khăn; Lực lượng chữa cháy rừng được huy động đông nhưng thiếu phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; Kinh phí cấp cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn rất hạn chế, thiếu kinh phí.
Từ những bất cập nêu trên cho thấy, rất cần những giải pháp căn cơ để giảm số vụ cháy rừng, đồng thời phát triển rừng bền vững. Có ý kiến cho rằng, để hạn chế các vụ cháy rừng thì Bộ chủ quản cần sát sao hơn, như gỡ khó việc giao đất, giao rừng cho người dân. Bởi theo thống kê hàng trăm vụ cháy rừng trên địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung trong thời gian qua chủ yếu là rừng trồng, rừng thông, keo, và điều đáng nói phần lớn rừng bị cháy là các lâm trường do Nhà nước quản lý.