Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Nhà giáo là một bộ luật rất quan trọng và đang trong thời kỳ đề xuất.
Theo dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đề xuất một số chính sách. Trong đó có một chính sách đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo. Mục tiêu của chính sách này là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo.
Nội dung của chính sách gồm: Xác định các khái niệm về nhà giáo một cách đầy đủ, tường minh, làm cơ sở để xác định phạm vi điều chỉnh và đề xuất các chính sách về nhà giáo. Xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy và giáo dục của nhà giáo…
Thứ hai, tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo. Mục tiêu của chính sách là khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý để tuyển dụng vào ngành những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.
Nội dung của chính sách là: Xác định tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo. Xác định quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc đối với nhà giáo. Xác định điều kiện, quy trình thuyên chuyển công tác. Xác định điều kiện, quy trình đánh giá, xếp loại, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo.
Thứ ba, phát triển nghề nghiệp nhà giáo. Mục tiêu của chính sách là xây dựng hệ thống đào tạo nhà giáo đảm bảo chất lượng, nhấn mạnh đến việc tăng cường đào tạo, xây dựng cơ chế cụ thể về việc đào tạo sinh viên sư phạm.
Nội dung của chính sách gồm: Luật hóa các nội dung sau: xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Xác định chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, thúc đẩy hình thành hệ thống trường thực hành sư phạm phục vụ đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo….
Thứ tư, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo. Mục tiêu của chính sách là xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề.
Đồng thời, tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc; thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.
Thứ năm, quản lý nhà nước về nhà giáo. Mục tiêu của chính sách là: Khắc phục các bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước về nhà giáo thời gian vừa qua; làm cơ sở thực hiện phân cấp, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong quản lý nhà giáo, tạo điều kiện cho nhà giáo tự do trong học thuật, phát triển chuyên môn nghiệp vụ.
Nội dung của chính sách gồm: Xác định hệ thống quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương đảm bảo thống nhất, hiệu quả, gọn nhẹ. Xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo. Xác định vai trò của các tổ chức hiệp hội nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Nhà giáo là một bộ luật rất quan trọng và đang trong thời kỳ đề xuất. Bộ sẽ trình, thuyết minh sự cần thiết, định hướng của Bộ luật này trước Chính phủ.
“Chúng tôi mong muốn rằng Bộ luật này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, là cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ, là cơ sở chăm lo, chế độ chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững. Có thể nói đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bài bản và bền vững trong tương lai”, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.