Than phải được loại bỏ nhanh hơn 7 lần và nạn phá rừng giảm nhanh hơn 4 lần, để thế giới tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo Tình trạng hành động vì khí hậu được công bố hôm 15/11 bởi Viện Tài nguyên Thế giới, Cơ quan theo dõi Hành động Khí hậu, Quỹ Trái đất Bezos và các tổ chức khác, than phải được loại bỏ nhanh hơn 7 lần so với hiện tại, nạn phá rừng phải giảm nhanh hơn 4 lần và giao thông công cộng trên khắp thế giới được xây dựng nhanh hơn 6 lần so với hiện tại, nếu thế giới muốn tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Điểm sáng duy nhất là doanh số bán xe chở khách chạy bằng điện trên toàn cầu hiện đang đi đúng hướng, cùng nhiều thay đổi khác để hạn chế sự nóng lên trong tương lai.
Đồng tác giả nghiên cứu Kelly Levin - Giám đốc khoa học và dữ liệu tại Quỹ Trái đất Bezos cho biết, việc tài trợ công cho nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục, bất chấp cam kết của các quốc gia được đưa ra 2 năm trước tại Cop26 ở Glasgow, nhằm hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Nhiều quốc gia vẫn đang mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ ở Anh, chính phủ vừa công bố các vòng cấp phép hàng năm mới cho các dự án thăm dò ở Biển Bắc. Theo báo cáo, sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào đầu năm 2022, nguồn tài chính của chính phủ dành cho nhiên liệu hóa thạch đã tăng mạnh: trợ cấp gần như tăng gấp đôi so với mức năm 2020, đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ.
Bà Levin bày tỏ: “Thật đáng tiếc là chúng ta đang đi chệch hướng và đang chứng kiến tác động của việc không hành động diễn ra trên khắp thế giới, từ các vụ cháy rừng lan rộng ở Canada, những cái chết liên quan đến nhiệt độ trên khắp Địa Trung Hải, nhiệt độ cao kỷ lục ở Nam Á”.
Bà Razan Al Mubarak - cố vấn cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu kêu gọi tất cả các nước xem xét lại chính sách của mình: “Các nhà lãnh đạo thế giới phải thừa nhận những tiến bộ chưa đủ cho đến nay và vạch ra con đường phía trước. Thời điểm này sẽ đóng vai trò là bàn đạp cho các hành động tăng tốc”.