Bên dòng sông Hương thơ mộng, các làng nghề rộn ràng không khí Tết. Những sắc màu rực rỡ của hoa giấy, chân hương... báo hiệu một mùa xuân mới lại về trên mảnh đất Cố đô.
Ở Huế, cứ đến dịp giáp Tết, người dân cũng như du khách thập phương lại bắt gặp những chông hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ sắc màu được bày bán khắp các chợ nơi làng quê và phố thị. Hình ảnh hoa giấy khoe sắc như báo hiệu một mùa xuân mới lại về trên quê hương. Màu đỏ, vàng, xanh... càng điểm tô cho cái Tết thêm phần rực rỡ.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề kết hợp làm du lịch, trong đó có làng hương Thủy Xuân và làng hoa giấy Thanh Tiên. Việc các làng nghề vừa làm nghề vừa kết hợp làm du lịch là một cách làm sáng tạo, ngoài việc nâng cao thu nhập cho người dân còn góp phần quảng bá hình ảnh của xứ Huế đến với du khách trong và ngoài nước.
Xuôi theo dòng sông Hương thơ mộng, chúng tôi tìm về làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), ngôi làng cổ nổi danh với nghề làm hoa giấy truyền thống có tuổi đời hơn 300 năm.
Nếu như trước đây, hoa giấy được dùng nhiều trong việc thờ cúng gia tiên, thì nay trải qua thời gian thăng trầm, bằng đôi bàn tay khéo léo và trí óc của các nghệ nhân, hoa giấy Thanh Tiên mang thêm “thân phận mới”, được dùng để trang trí vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ngồi ghép những tờ giấy đủ màu thành hoa giấy, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm một nghệ nhân của làng Thanh Tiên cho biết, trước đây, nghề làm hoa giấy có nguy cơ chững lại do sự phát triển mạnh mẽ của hoa nhựa. Tuy nhiên, từ những năm 2000, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống nên hoa giấy được nhiều người biết đến. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ của hoa giấy Thanh Tiên ngày càng mở rộng, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng quê.
Theo bà Tâm, điều đáng mừng là nhiều năm trở lại đây, hoa giấy “bung nở”, làng làm hoa giấy được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhờ vậy, hoa giấy “tỏa hương” đi nhiều nơi, ra khỏi phạm vi xứ Huế để đến với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Vài năm trở lại đây, ngoài việc sản xuất hoa giấy truyền thống, người dân Thanh Tiên còn tập trung làm ra những bông hoa sen giấy. Theo họa sĩ - nghệ nhân Thân Văn Huy (người có hơn 50 năm kinh nghiệm làm hoa giấy), mỗi năm, cơ sở của ông làm ra hàng nghìn sản phẩm hoa giấy, trong đó hoa sen giấy là một trong những sản phẩm được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết, hằng ngày, có nhiều du khách trong và ngoài nước đến làng Thanh Tiên tham quan, trực tiếp trải nghiệm cảm giác tự tay làm ra những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu, mang đến những cảm xúc khó quên khi đặt chân đến Thanh Tiên.
Không chỉ nổi tiếng ở mảnh đất Cố đô Huế, hoa giấy Thanh Tiên nay còn “xuất ngoại”, có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên theo chân du khách ra nước ngoài đã trở thành những “đại sứ thương hiệu” quảng bá hình ảnh quê hương con người Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đến với bạn bè quốc tế về một đất nước có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, riêng biệt, mang đậm nét đặc trưng của nền văn hóa Á Đông.
Từ đàn Nam Giao, chạy theo con đường Lê Ngô Cát khoảng chừng hơn 1km, làng hương Thủy Xuân hiện lên với những bó chân hương xòe ra đầy sắc màu trải dọc hai bên đường Huyền Trân Công Chúa.
Theo người dân địa phương, nghề làm hương ở đây có tuổi đời hơn 600 năm và được làm quanh năm, nhưng vào dịp cuối năm, không khí làm việc trở nên khẩn trương và nhộn nhịp hơn bao giờ hết để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân. Nhiều năm trở lại đây, làng hương Thủy Xuân không chỉ là nghề truyền thống phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, mà còn là địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, vào những ngày Tết, du khách về làng hương Thủy Xuân để tham quan, chụp hình ngày một đông, đó cũng là thời điểm mà người làm hương bận rộn hơn với công việc của mình để phục vụ du khách.
Ngồi bên máy làm hương, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (74 tuổi) cho biết, cứ đến những ngày cận Tết, công việc của bà lại nhiều hơn bao giờ hết. Ngoài công việc làm hương do ông cha truyền lại, bà Tuyết tất bật chỉnh trang, bày biện lại không gian trưng bày của mình để du khách có thể đến chụp hình, trải nghiệm về nghề làm hương trầm.
“Những ngày cuối năm, nhiều nơi đặt hương để thắp trong dịp lễ, Tết nên công việc của mệ rất nhiều. Đặc biệt, vào những dịp này, du khách đến làng hương chụp ảnh rất đông. Hầu như mọi người khi đến Huế đều ghé thăm làng hương Thủy Xuân. Mệ cảm thấy rất vui”, bà Tuyết bày tỏ.
Là một trong những người đầu tiên vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch, bà Tôn Nữ Mộng Hoa (54 tuổi) cho biết, khoảng nhiều năm trước, một đoàn khách nước ngoài đi tham quan các di tích lăng tẩm nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa. Khi trở về, nhiều người trong đoàn khách này đã dừng lại bên quầy hàng của bà Hoa để chụp hình và vô cùng thích thú với những bức ảnh đẹp bên cạnh những bó chân hương nhiều màu sắc.
Chính từ đoàn khách này, bà Hoa đã nảy sinh ý tưởng ngoài làm hương để kiếm tiền thì việc tạo không gian cho du khách chụp hình cũng là cách để tăng thêm thu nhập. Nghĩ là làm, bà Hoa bắt đầu đưa các bó chân hương nhiều màu sắc ra bài trí ở phía trước gian hàng sao cho bắt mắt. Ai đi tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh thấy đẹp đều ghé vào gian hàng của bà để chụp hình. Nhiều người trong làng thấy thế cũng làm theo.
Bà Hoa cho biết, làng hương Thủy Xuân không thu tiền khách vào chụp hình cũng như cho mượn miễn phí quạt, nón lá. Các hộ ở đây chỉ lấy tiền cho thuê áo dài cổ phục, bán hàng lưu niệm… để tăng thêm thu nhập. Mỗi ngày cửa hàng của bà Hoa đón tiếp hàng chục du khách đến tham quan, chụp ảnh. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, du khách đến tham quan và chụp hình rất đông. Nhờ đó mà thu nhập của người làm hương cũng tăng lên.