Giáo dục

Chênh lệch khối thi - nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực

Vi Cầm 03/08/2024 14:00

Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), có tới 63% số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội (KHXH) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là tỉ lệ cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

anhbaiduoi(1).jpg
Thí sinh xem danh sách cấp thẻ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Vi Cầm.

Trước đó, dữ liệu thống kê cho thấy, năm 2019 số thí sinh chọn tổ hợp KHXH là 52,83%; năm 2020 tỉ lệ này là 55,38%; năm 2021 là 55,38%; năm 2022 tỉ lệ này tăng lên 55,53%; năm 2023 tỉ lệ này là 53,30%.

Lý giải về xu hướng chọn tổ hợp KHXH có chiều hướng gia tăng, các chuyên gia giáo dục cho hay, do xuất phát từ tâm lý coi bài thi KHXH là giải pháp an toàn giúp các em đủ điều kiện để xét tốt nghiệp THPT. Ông Vũ Khắc Ngọc - giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng: Đây là xu hướng dễ hiểu vì với học sinh (HS), chọn cách nào đơn giản nhất, nhanh nhất mà lại đạt được điểm cao thì tất nhiên các em sẽ làm. Với các môn thuộc tổ hợp KHXH tính chất học thuộc vẫn còn nhiều, vì vậy các em HS có thể cần ít thời gian để học và ôn thi hơn, nhưng vẫn dễ đạt được điểm cao. Trong khi đó, các môn Khoa học tự nhiên (KHTN) yêu cầu tư duy logic, phải nắm vững hệ thống kiến thức từ lớp 10, lớp 11 và lớp 12 mới có thể hiểu và làm bài tốt được. Cùng đó, nhìn vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT qua các năm, dễ dàng nhận thấy các môn KHXH có tỉ lệ điểm cao nhiều hơn so với các môn KHTN. Do đó, nhiều em HS với mục đích tốt nghiệp trước mắt, đương nhiên sẽ lựa chọn tổ hợp môn KHXH để thi.

Cùng với đó, theo ông Ngọc, một trong những lý do khiến HS ngày càng “chuộng” tổ hợp KHXH hơn vì sự đa dạng trong cách xét tuyển của các trường đại học (ĐH) hiện nay. Xu hướng các trường ĐH tự chủ, đa dạng hình thức xét tuyển. Các tổ hợp xét tuyển cũng mở rộng và đa dạng các môn hơn, nhiều trường ĐH xét tuyển với nhiều tổ hợp mới trong đó có môn xã hội. Vì vậy ngày càng nhiều thí sinh lựa chọn tổ hợp KHXH để thi.

Theo các chuyên gia, sự chênh lệch tỉ lệ trong lựa chọn khối học/khối thi tuy an toàn với thí sinh, nhưng đang có nguy cơ gây ra mất cân đối các ngành nghề đào tạo. Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) phân tích, kết quả đăng ký thi tốt nghiệp THPT cho thấy, lĩnh vực KHXH đang chiếm ưu thế, trong khi số thí sinh lựa chọn KHTN ngày càng giảm. Thực trạng này có thể dẫn nguồn tuyển các trường đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật bị giảm sút và ngày càng khan hiếm. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn thì tương lai có thể dẫn đến mất cân đối nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ, kỹ thuật có thể phải đối diện với việc thiếu lực lượng lao động có trình độ cao.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội dự báo, sang năm 2025 tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng theo chiều hướng nghiêng về các môn KHXH. Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng trên. Tuy nhiên trước yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh chuyển đổi số thì sự chênh lệch như trên là không thuận lợi, thậm chí mang đến nhiều thách thức, bởi trong khi nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ rất lớn nhưng nhiều trường sẽ khó tuyển sinh. Ông Hải cho biết, trước mắt ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tăng hình thức xét tuyển sao cho tạo thế cân bằng giữa 2 lĩnh vực KHTN và KHXH.

Trước thực trạng chênh lệch tỉ lệ khối thi như hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo mong muốn các sở GDĐT, các trường THPT cần có định hướng về nghề nghiệp sớm cho HS, tạo thế cân bằng trong việc học sinh chọn tổ hợp KHTN và KHXH trong việc học/thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chênh lệch khối thi - nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực