Đó là một trong nhiều thông điệp được truyền thông đến mọi người từ Lễ mít tinh truyền thông phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016, tổ chức sáng 30/11.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện nay, kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.
Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. “Nếu không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.
TS Lokky Wai- Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng: Vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta đã và đang sử dụng kháng sinh chưa hợp lý trong y tế và thú y. Toàn cầu hoá đang tạo ra những thách thức về dịch bệnh lây nhiễm mà chúng ta phải hành động liên quốc gia. Vì vậy, tất cả các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam cần chung tay phòng chống hiệu quả kháng thuốc kháng sinh.
Các tham luận khác tại buổi lễ cũng cho rằng: Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị bệnh cho con người cũng như cho vật nuôi. Tuy nhiên do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết,… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.
Lễ mít tinh tiếp tục kêu gọi mỗi cán bộ y tế, người dân và toàn thể cộng đồng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người nông dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Các cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.