Nói về những nỗ lực của ngành thủy sản trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, giới chuyên gia nhấn mạnh, chỉ một tàu cá vi phạm, sẽ khó có thể gỡ được chiếc thẻ này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đến nay, sau 3 năm bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không quản lý (IUU), ngành thủy sản đã có những cải thiện đáng kể. Song, theo giới chuyên gia, vẫn cần nhiều nỗ lực mới có thể gỡ được chiếc thẻ vàng này,hướng tới sự phát triển bền vững.
Số liệu thống kê của Vasep cho biết, đến nay đã có khoảng 82% số tàu cá được gắn thiết bị giám sát hành trình, trong khi cách đây 8 tháng (hồi tháng 4/2020) con số này mới chỉ là 56%. Có được sự cải thiện này là nhờ sự vào cuộc sát sao của Chính phủ, nhà quản lý cũng như những nỗ lực từ chính bản thân các doanh nghiệp (DN).
Trước đó, Vasep cho biết, ngay sau khi ngành thủy sản bị EC “tuýt còi” phạt thẻ vàng IUU, đơn vị này đã lập tức khởi động chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” với sự tham gia của 62 nhà máy, DN.
Và thực tế cho thấy, thời gian qua, chính quyền các địa phương cũng đã ráo riết vào cuộc với mong muốn xóa bỏ mọi rào cản, sớm giành lại được thẻ xanh cho ngành thủy sản nước nhà.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã dồn sức thực hiện việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá, và việc này cũng nhận được sự đồng thuận của các DN. Đơn cử, tại tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này đã lắp đặt được thiết bị giám sát hành trình cho khoảng 90% tàu cá. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, vẫn có tình trạng các tàu cá sau khi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình lại có động thái tháo gỡ hoặc tắt thiết bị... Những hành vi này đã được xử lý kịp thời. “Thời gian qua đã xử lý hơn 180 tàu cá vi phạm”, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết.
Các địa phương khác như Cà Mau, Bến Tre... cũng hết sức sát sao, thúc đẩy nhanh việc thực hiện lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tại các tàu cá một phần vì mục tiêu gỡ thẻ vàng, song quan trọng hơn là hướng đến khai thác nguồn tài nguyên biển một cách bền vững. Với những nỗ lực này, số tàu cá được lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tăng lên nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Theo đó, hiện toàn tỉnh Cà Mau có 1.348/1.595 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 84,5%. Trong khi đó, số tàu cá được “hoàn thiện” việc giám sát hành trình tại Bến Tre đã xấp xỉ 98%.
Nói về câu chuyện này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vẫn luôn nhấn mạnh rằng, để có thể tháo gỡ được chiếc thẻ vàng IUU, các tàu cá buộc phải tuân thủ các khuyến nghị của EC về các vấn đề liên quan đến khai báo hành trình, truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần có một tàu cá vi phạm, việc gỡ thẻ vàng IUU sẽ trở nên gian nan vô cùng. “Bởi vậy, các địa phương phải kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, không để xảy ra tình trạng vi phạm này”, ông Luân khuyến cáo.
Giới chuyên gia trong ngành cũng lưu ý, nếu Việt Nam không gỡ được thẻ vàng IUU sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn đối với ngành thủy sản vì sẽ không thể tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA). Bởi, theo lộ trình, kể từ khi EVFTA được thực thi, sẽ mất lộ trình từ 3-7 năm để các mặt hàng hải sản vào EU được ưu đãi thuế về 0%, song nếu chiếc thẻ vàng vẫn không gỡ được và bị áp thẻ đỏ, thì những ưu đãi này sẽ tuột khỏi tầm tay.