Đó là vấn đề được ông Dương Ngọc Sơn- nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội) đặt ra khi trao đổi với ĐĐK, xung quanh vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được Hội nghị lần thứ 4, Trung ương khóa XII họp bàn.
PV: Ông nghĩ sao về việc lần này Hội nghị Trung ương 4, khóa XII thảo luận, ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”?
Ông Dương Ngọc Sơn: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ, để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Từ Đại hội VIII, Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng đã được thực hiện nhưng theo tôi vừa rồi cũng chưa đạt kết quả như Đảng yêu cầu.
Trung ương thấy rằng tình hình ngày càng phức tạp cho nên tại Hội nghị lần này đã họp bàn xây dựng, chỉnh đốn Đảng để chống suy thoái, tư tưởng, đạo đức, lối sống, và ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ. Đây là vấn đề đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm, và mong Trung ương làm sao sau Hội nghị làm rõ, đánh giá đúng tình hình để có những giải pháp hữu hiệu, kiên quyết. Nếu không chặn đứng được thì phải hạn chế đến mức tối tổi thiểu, nhất là tự diễn biến, tự chuyển hóa hiện đang diễn biến phức tạp, không hề đơn giản. Bởi đây là vấn đề hệ trọng và cấp bách.
Thưa ông, vì sao đến nay vẫn chưa chỉ rõ được “một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất” là ai?
- Cái đó là quan trọng, theo tôi bây giờ phải chỉ rõ. Tất cả các cơ quan tổ chức phải vào cuộc. Phải biết được đó là ai, từ đó có giải pháp chấn chỉnh. Nếu đi quá phạm vi, vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Dân chủ nhưng phải thượng tôn pháp luật.
Chúng ta đã thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI được một thời gian. Tuy nhiên, tại Hội nghị lần này vẫn tiếp tục nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống. Phải chăng trước đây ta làm nhưng không rõ khái niệm thế nào là suy thoái?
- Lần này Trung ương bàn để có biện pháp cụ thể, thiết thực. Suy thoái đạo đức tương đối rõ như tham ô, tham nhũng hiện đang diễn biến phức tạp. Không có giải pháp thiết thực thì không giải quyết được. Tổng Bí thư rất cương quyết; toàn Đảng, toàn thể các cơ quan, tổ chức phải vào cuộc mạnh mẽ thì mới chống được tham nhũng, suy thoái đạo đức. Việc kiểm tra giám sát chưa đạt yêu cầu. Kiểm tra giám sát rồi nhưng có vi phạm hay không? Vi phạm cái gì? Vi phạm đến đâu? Trước những vi phạm đó thì xử lý như thế nào? Phải rõ ràng. Nếu cứ chung chung thì không giải quyết được vấn đề.
Thưa ông, Đề án nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong đó có tự phê bình và phê bình. Lâu nay ta nói phê bình và tự phê bình nhưng ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng nể nang xuê xoa...
- Chúng ta phát huy dân chủ nhưng mọi người phải thượng tôn pháp luật, trước hết là cán bộ, đảng viên. Toàn thể các cơ quan, tổ chức chính trị- xã hội phải vào cuộc, cùng với những biện pháp cụ thể. Theo tôi, việc phê và tự phê bình vẫn còn xuê xoa nể nang, làm chưa đến nơi đến chốn. Phê bình và tự phê bình ở Chi bộ, Đảng bộ, Đảng ủy làm chưa tới. Bây giờ phải làm thật nghiêm túc. Nếu không, việc suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tham ô khó bị đẩy lùi.
Trân trọng cảm ơn ông!