Chỉ vì sợ sai!

An Hà 19/07/2022 04:58

Mới đây, tại Công văn số 4453/VPCP, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để được hướng dẫn.

Trước đó, theo Quyết định số 08 ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hai đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng. Thủ tục để được nhận hỗ trợ đơn giản, thời gian giải quyết nhanh, thuận tiện cho doanh nghiệp lẫn người lao động trong diện được thụ hưởng.

Những tưởng chính sách hỗ trợ rất thiết thực này sẽ được triển khai nhanh chóng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 4/7/2022, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh cho hay, sau hơn 3 tháng triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ vẫn rất thấp. Cụ thể, tới thời điểm đó các Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố mới tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng tại 45 địa phương. Đáng chú ý, chỉ có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí hơn 70 tỷ đồng.

Đứng trước tình hình này, ngày 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp đẩy nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo quyết định 08 (gói 6.600 tỷ đồng), người lao động đang làm việc nhận hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Dự kiến có 3,4 triệu lao động thụ hưởng chính sách này. Sau hơn 3 tháng triển khai, mới chỉ khoảng hơn 1% số người lao động trong diện thụ hưởng được nhận tiền từ gói hỗ trợ là quá thấp.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chậm trễ, chính là việc địa phương "sợ sai" nên yêu cầu thêm các xác nhận, trong khi yêu cầu chỉ cần xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi đòi hỏi có cả xác nhận của chính quyền địa phương, xã, phường. Về phía doanh nghiệp, cũng lại “sợ sai” nên khi lập danh sách và nộp Bảo hiểm xã hội cũng bị chậm.

Đây có thể coi là nguyên nhân “bao trùm”, tuy nhiên còn nhiều nguyên nhân khác. Theo bà Phạm Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (tỉnh Bình Dương - nơi có số lượng lao động được hưởng chính sách này nhiều nhất cả nước), công ty đã chủ động gửi hồ sơ cho cơ quan chức năng theo từng đợt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng trả lời phải chờ đủ hồ sơ của tất cả lao động trong công ty thì mới giải ngân một lần. "Theo tôi, cơ quan chức năng nên linh động giải ngân theo từng đợt, chứ không thể chờ đủ rồi mới thực hiện" - bà Nhung nói.

Một số ý kiến còn cho rằng, nếu để người lao động tự làm hồ sơ, có thể sẽ không đúng theo quy định. Vì vậy cần có sự hỗ trợ của bộ phận nhân sự công ty, người lao động chỉ cần đi xác nhận và ký nữa là xong. Và trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã làm như vậy, đã gửi hồ sơ đi. Nhưng không hiểu vì sao cấp trên lại chưa triển khai các bước tiếp theo, không biết vướng ở khâu nào trong quy trình sau khi lập hồ sơ là rà soát, xác nhận, xét duyệt và trình phê duyệt.

Một trong những nguyên nhân được Sở LĐTBXH địa phương đưa ra dẫn đến sự chậm trễ là do thiếu cán bộ thẩm định hồ sơ. Nhân lực hạn chế, quá trình thẩm định đòi hỏi phải chính xác nên nhiều cán bộ thực hiện “quá mức cẩn thận”, dẫn tới người lao động bị thiệt thòi.

Hỗ trợ tiền thuê nhà là chính sách tốt đẹp của Chính phủ dành cho người lao động, san sẻ gánh nặng tài chính với người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 cũng như sau dịch. Số tiền tình nghĩa đó nếu càng chậm đến tay người lao động thì càng giảm ý nghĩa. Những lý do dẫn đến sự chậm trễ ấy cần được gỡ bỏ sớm, nhất là do sợ trách nhiệm, sợ sai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ vì sợ sai!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO