Kinh tế

“Chìa khóa” thúc đẩy nông nghiệp xanh

Lê Bảo 02/04/2024 06:28

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đang là xu hướng của sản xuất nông nghiệp bền vững. Từ đó cho thấy cần có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

anhbaitren(3).jpg
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đem lại giá trị kép, vừa đảm bảo năng suất vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Anh Thơ.

Hiệu quả kép

Ông Lê Văn Chính - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, nhờ sử dụng thuốc BVTV sinh học, nên chi phí trồng lúa giảm đi rất nhiều, năng suất lúa tăng lên, nên lợi nhuận tốt. Nếu như trước kia HTX chỉ có 31 thành viên chính thức, thì nay với hiệu quả sản xuất rõ nét của những vụ trước, HTX đã có thêm 70 thành viên liên kết trong vụ này. Theo đó, diện tích vụ này của HTX là 771ha của hơn 100 thành viên.

Tương tự với phương châm nói không với thuốc BVTV vô cơ, nhiều năm nay HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) chỉ sử dụng thuốc BVTV sinh học. Cụ thể, HTX dùng tỏi, gừng giã nhuyễn trộn với rượu phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ thủ công bằng đèn bẫy côn trùng; ủ phân từ nguyên liệu lá cây, trấu, tro bón cho cây trồng.

Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối cho biết, HTX tập trung sản xuất rau hữu cơ theo quy trình khép kín, từ sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm, qua đó, có thể phân biệt được rau hữu cơ của HTX với các loại rau khác trên thị trường.

Là một trong những doanh nghiệp (DN) cùng nông dân chuyển đổi mạnh mẽ việc canh tác theo hướng nông nghiệp xanh, giảm phát thải, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, DN đã liên kết với các HTX và hơn 200.000 hộ nông dân để cơ giới hóa các hoạt động mùa vụ, tổ chức thu hoạch và vận chuyển... giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận ổn định, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tại khu vực nông thôn. Đặc biệt với các chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, “Cùng nông dân bảo vệ sức khỏe”, “Cùng nông dân phát triển bền vững”... Tập đoàn Lộc Trời triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform), nói không với thuốc BVTV vô cơ, nhờ đó đã góp phần gia tăng giá trị lúa gạo đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới.

Thực tế cho thấy, sản xuất chuyển hướng từ dùng thuốc BVTV vô cơ sang sinh học, bảo vệ môi trường đang là xu hướng được người dân lựa chợn. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện cả nước có 99 cơ sở sản xuất thuốc BVTV đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học. Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được gần 30 dạng thuốc BVTV sinh học thành phẩm, trong đó nhiều dạng tiên tiến, an toàn cho con người. Các công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký, sản xuất và ứng dụng ở Việt Nam, như: thuốc sinh học nano, thuốc sinh học chiết xuất từ thảo mộc, thuốc sinh học chứa các vi sinh vật, có nguồn gốc virus, nguồn gốc từ tuyến trùng...

Nhân rộng mô hình thuốc BVTV sinh học

Mặc dù việc sử dụng thuốc BVTV sinh học đem lại nhiều lợi ích nhưng nhưng việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học hiện đang gặp một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, chưa có các chính sách cụ thể để khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Điều kiện sản xuất các thuốc BVTV sinh học có nguồn gốc từ thảo mộc chưa được ưu tiên cắt giảm, nên việc đẩy mạnh phát triển các thuốc sinh học nhóm này còn khó khăn.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT), nhằm tạo cơ chế để phát triển cũng như khuyến khích việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, Bộ NNPTNT đã phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 tăng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng. Cùng với đó, ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng; xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm: lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có cơ chế hỗ trợ người dân, sản xuất hướng đến sử dụng thuốc BVTV sinh học trong trồng trọt. Đơn cử như tại Hà Nội, Sở NNPTNT Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền, chú trọng nội dung về đặc tính, lợi ích của thuốc BVTV sinh học, thảo mộc để nông dân hiểu, tích cực sử dụng các chủng loại thuốc BVTV theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện xuất khẩu. Mặt khác, ngành nông nghiệp hỗ trợ các địa phương triển khai thí điểm những mô hình sản xuất sử dụng thuốc BVTV sinh học để nhân rộng diện tích sản xuất nông sản an toàn, thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cho biết, phát triển phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học là một trong những bước đi then chốt của nông nghiệp sinh thái bền vững. Bên cạnh đó việc sử dụng này giúp người dân giảm thiểu chi phí đầu vào và canh tác thân thiện với môi trường, đem lại giá trị cao hơn cho nông sản.

Chính vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại các địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích liên kết nghiên cứu, phát triển thuốc sinh học giữa các DN với các viện, trường hoặc các DN khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Chìa khóa” thúc đẩy nông nghiệp xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO