Chia sẻ gánh nặng cho người lao động

Khanh Lê 24/08/2023 07:23

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang dự thảo nghị định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm cho người lao động.

Anh Nguyễn Văn Thủy (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả hỗ trợ sau tai nạn lao động.

Trong lần đi làm không may bị tai nạn với thương tích 31%, chị Nguyễn Thị T. (Hà Nội) phải xin nghỉ việc. Với tỷ lệ thương tật 31%, chị T. được hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng tháng với mức bằng 30% lương cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, đều đặn hàng tháng, chị đều được nhận số tiền trợ cấp 447.000 đồng. Từ tháng 7 năm nay, lương cơ sở được điều chỉnh tăng, khoản trợ cấp của chị T. tăng lên 540.000 đồng. Số tiền này với chị T. là khoản trợ cấp quý giá giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từng là công nhân nhà máy sản xuất gạch men ốp lát. Tháng 6/2022, trong quá trình làm việc tại phân xưởng, anh Thủy bị tai nạn lao động, dập đốt ngón tay khi đang căn chỉnh dây curoa của băng chuyền đỡ gạch. Anh Thủy được xác định tỷ lệ thương tật với tỷ lệ tổn thương là 6%.

Do đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại doanh nghiệp, với tỷ lệ tổn thương dưới 31%, anh Thủy được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả chế độ một lần. “Lúc đó tôi được BHXH chi trả số tiền là 44 triệu đồng, tương đương với khoảng 4 - 5 tháng lương. Trong hơn 1 tháng nghỉ việc ở nhà điều trị, số tiền này đã hỗ trợ tôi và gia đình rất nhiều trong sinh hoạt, thuốc men điều trị” - anh Thủy chia sẻ.

Theo bà Bùi Thị Kim Loan - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), trong năm 2022, BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và một lần cho hơn 8.100 người lao động (NLĐ) và gần 1.700 người trong 3 tháng đầu năm 2023. Ngoài việc chi trả chế độ cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.

Nhìn vào con số trên cho thấy, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những quyền lợi cơ bản của NLĐ. Khi không may bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp phải nghỉ làm, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là NLĐ. Tuy nhiên trên thực tế vì nhiều lý do, số NLĐ tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn khiêm tốn.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, tai nạn lao động chết người, thương tích nặng diễn ra ở lao động trẻ đang có xu hướng tăng. Đối tượng này còn chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn. Sau khi bị tai nạn lao động, các chính sách hỗ trợ hầu như không có.

Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), tính đến cuối năm 2022, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn kết dư khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Còn với người tham gia BHXH bắt buộc, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH.

Xuất phát từ thực tế này dự thảo Nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động tham gia chính sách này được đề xuất hỗ trợ tiền đóng trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động hàng tháng từ Nhà nước. Mức hỗ trợ cao nhất có thể lên tới 30% với người thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Theo Bộ LĐTBXH, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thiết kế tương tự như bảo hiểm bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện hành. Đối với người bị tai nạn lao động dưới 31% thì được hưởng trợ cấp một lần, còn đối với người từ 31% trở lên thì được trợ cấp hàng tháng. Về mức hưởng thì tùy theo thương tật. Lấy ví dụ những người bị thương tật dưới 30% với mức hưởng khi suy giảm khả năng lao động 5% là khoảng 9 triệu đồng. Còn đối với người bị thương tật từ 30% trở lên thì mức hưởng lên tới 64,8 triệu đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chia sẻ gánh nặng cho người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO