V.League 2021 chứng kiến sự chuyên nghiệp hơn trong việc ra mắt và bán áo đấu tuy nhiên, vẫn còn hình ảnh không chuyên đến từ vé chợ đen.
V.League 2021 chứng kiến sự chuyên nghiệp hơn trong việc ra mắt và bán áo đấu. Lần lượt Đà Nẵng, Bình Dương với sự tài trợ của Kamito đưa ra những sản phẩm được đóng hộp một cách chuyên nghiệp, mang đúng phong cách của những đội bóng lớn ở châu Âu. Sự chỉn chu trong mọi công đoạn từ thiết kế sản phẩm, marketing, phân phối của những CLB này đem đến cho người hâm mộ cảm giác “đáng tiền hơn” khi mua về và sử dụng áo đấu.
Ngoài hai CLB, những đội bóng như Hà Nội, TP HCM, HAGL cũng nghiêm túc trong việc thiết kế áo đấu, sao cho tạo nên được sự chuyên nghiệp, kiểu dáng bắt mắt, giá cả cạnh tranh. Với riêng Hà Nội, họ liên tục có các chiến lược quảng bá không chỉ là trang phục thi đấu chính thức mà còn là áo mùa đông, áo sinh hoạt, tập luyện. Thậm chí, đội bóng này còn áp dụng chính sách mua áo đấu được khuyến mãi khi sở hữu trong tay những thẻ thành viên (vé mùa) với các cấp độ khác nhau.
Chiến lược bán vé mùa của những đội bóng này với thẻ thành viên tạo nên được sự sang trọng và cảm giác bắt mắt hơn đối với cổ động viên nhà. Điều quan trọng, họ cũng cố gắng thu về thêm cho ngân sách những khoản tiền từ chính việc lấy bóng đá để nuôi bóng đá.
Tuy nhiên, V.League vẫn chứng kiến hình ảnh không chuyên đến từ vé chợ đen. Trận đấu giữa HAGL và SLNA là điển hình của hai hình ảnh trái chiều. Nếu như phía HAGL hào hứng khi đã hoàn thành 80% tiến độ bán vé mùa ngay trước trận đấu này thì hình ảnh vé chợ đen bị thổi giá cao gấp 7-8 lần, lên đến cả triệu đồng là một điều thật sự đáng tiếc.
Công tác phân phối vé vẫn là điều mà các CLB ở V.League, dù đã trải qua 20 năm, vẫn không chuyên nghiệp. Khi mà mô hình bán vé trực tuyến mới chỉ áp dụng ở ĐTQG thì người hâm mộ V.League vẫn chỉ còn biết cách hoặc xếp hàng đến sớm hoặc cắn răng bỏ ra một khoản tiền lớn hơn nhiều lần mệnh giá niêm yết để mua được vé xem bóng đá trực tiếp tại V.League mà thôi.