Chiếc máy bay thử nghiệm bay vòng quanh thế giới mà không cần sử dụng đến một giọt nhiên liệu nào đã đến bang California của nước Mỹ, chỉ hai ngày rưỡi sau khi băng qua biển Thái Bình Dương - một sự kiện mang tính biểu tượng cho một trang sử mới của ngành hàng không thế giới.
Chiếc Solar Impulse 2 trên bầu trời bang California (Nguồn: CNN).
Do phi công và nhà tâm thần học người Thụy Sỹ Bertrand Piccard điều khiển, chiếc máy bay mang tên Solar Impulse 2 đã hạ xuống Mountain View, California vào lúc 3h00 sáng giờ địa phương (10h00 sáng ngày 24/4 giờ VN).
“Đây là một kỷ nguyên mới, chứ không phải khoa học viễn tưởng” - Piccard nói trước giới truyền thông Mỹ tại California sau chuyến hành trình thành công - “Nó thực sự tồn tại và công nghệ năng lượng sạch có thể làm nền những điều không thể”.
Hình ảnh chiếc máy bay tao nhã chạy bằng năng lượng mặt trời, có sải cánh ngang bằng một chiếc Boeing 747 nhưng chỉ nặng hơn một chiếc xe hơi SUV, đã bay ngang qua Cầu Cổng Vàng, đến vịnh San Francisco. Tuy nhiên đội ngũ những người chế tạo chiếc máy bay này đã phải đối đầu với nhiều khó khăn, vấn đề trong suốt hành trình đầy mạo hiểm.
“Tôi rất vui vì mọi thứ diễn ra suôn sẻ và chiếc máy bay hoạt động như định liệu” - đối tác và là phi công cùng lái chiếc máy bay cùng Piccard, kỹ sư Andre Borschberg, nói - “Sự thành công này cho thấy công nghệ luôn đáng tin”.
Được biết, Solar Impulse 2 trước đó đã cất cánh từ Hawaii hôm thứ Năm, nối lại hành trình đã bị trì hoãn trên đảo Oahu trong suốt 10 tháng qua. Nó cất cánh trở lại vào lúc rạng sáng hôm thứ Sáu tuần trước trong sự hoan nghênh và tán thưởng của những người hâm mộ.
Khi bằng qua bầu trời California, chiếc máy bay đã giữ độ cao để bay lượn vòng trong vài giờ trên vịnh San Francisco để ăn mừng. Đội ngũ phi hành đoàn đã đăng tải lên tài khoản mạng xã hội của họ nhiều bức ảnh đẹp chụp từ trên không. Bởi vận tốc của Solar Impulse chi ngang bằng một chiếc xe hơi, nên chặng đường Hawaii-California đã khiến họ mất hơn 62 giờ mới hoàn thành.
Theo người phát ngôn của dự án Solar Impulse, bà Alexandra Gindroz, thời tiết ổn định chính là điều kiện tiên quyết giúp hành trình này thành công. Chiếc máy bay này có hình dáng như một chú chuồn chuồn khổng lồ trên không, nhưng nó lại rất mong manh và đòi hỏi điều kiện thời tiết gần như hoàn hảo mới có thể vận hành được.
Vô vàn thử thách
Ban đầu, theo kế hoạch thì Solar Impulse 2 đáng lẽ ra sẽ hạ cánh ở Abu Dhabi, nơi nó khởi hành hành trình vòng quanh thế giới từ tháng 3-2015, vào cuối mùa hè này. Nhưng hàng loạt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt diễn ra trên chặng đường bay qua Trung Quốc đã làm chậm tiến trình này trong suốt nhiều tuần. Đó là chưa kể khi đi qua Nhật Bản, máy bay còn bị thiệt hại do gặp phải một cơn bão.
Nhưng cuối cùng, đội ngũ phi hành đoàn cũng nỗ lực vượt qua những thử thách, dồn quyết tâm vào chặng đường khó khăn nhất - vượt biển Thái Bình Dương đến Hawaii. Đó là một bước tiến mang tính lịch sử của nhân loại. Trong gần 5 ngày 5 đêm, phi công Borschberg đã lái máy bay trong lúc phải mang bình dưỡng khí do phải lên tới độ cao 8.000 m để chiếc máy bay này lấy năng lượng từ mặt trời.
Trong khi Borsceberg đã đạt được một kỷ lục mới về thời gian lái máy bay một cách độc lập - 117 giờ và 52 phút - thì hàng loạt các sự cố cũng khiến cho pin của chiếc máy bay này bị quá tải nhiệt và chỉ đến khi hạ cánh họ mới phát hiện ra pin bị thiệt hại nặng đến mức nào. Và lỗi kỹ thuật này đã khiến các kỹ sư mất đến 9 tháng để sửa chữa.
Trở lại hành trình
Trong thời gian tới, Solar Impulse 2 sẽ được lắp đặt các cục pin mặt trời mới, hệ thống tản nhiệt mới có thể được điểu khiển bằng tay, cùng 20 triệu USD nguồn quỹ mới để giữ cho dự án tiếp tục hoạt động. Như vậy, nó đã hoàn thành hành chặng bay vượt Thái Bình Dương trong suốt nhiều tháng qua, và cả thế giới đã ghi nhận khả năng của chiếc máy bay không cần nhiên liệu này.
Sau một vài chặng dừng chân trên đất Mỹ, các phi công hy vọng sẽ tiếp tục băng qua biển Đại Tây Dương, sau đó tới châu Âu hoặc Bắc Phi. Họ cũng dự định sẽ trở lại Trung Đông vào khoảng cuối mùa hè năm nay, hoàn thành hành trình 35.000 km vòng quanh thế giới.
Theo giới chuyên gia, chiếc máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời này hoàn toàn có khả năng bay trong một khoảng thời gian không hạn chế, nếu xét về mặt lý thuyết, vấn đề chỉ là liệu một phi công có thể lái nó liên tục trong bao nhiêu giờ mà thôi.