Từ ngày 27/3 đến 5/4 tại chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới được trưng bày để đồng bào, phật tử đến chiêm bái.
Tượng Phật ngọc hòa bình thế giới được trưng bày tại chùa Hoằng Phúc.
17h ngày 27/3 (tức ngày 19/2 âm lịch), tại chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã khai mạc lễ tôn trí (trưng bày) tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới để đồng bào, phật tử được chiêm bái…
Tượng Phật ngọc hòa bình thế giới là pho tượng Phật thích ca mâu ni ngồi thiền trên tòa sen trong tư thế liên hoa, làm bằng ngọc thạch.
Đây là pho tượng được khắc từ khối ngọc thạch 18 tấn. Khối ngọc này được phát hiện tại Bắc Canada năm 2000 và được một Phật tử tại Australia mời các nghệ nhân Nepal, Ấn Độ và Thái Lan chạm khắc tại Thái Lan.
Năm 2009, sau khi hoàn thành, tượng Phật ngọc cao 2,7 m, nặng hơn 4 tấn, ngồi trên ngai vàng thạch cao khoảng 1,4 m mô phỏng hình dáng Phật Thích Ca được thờ ở Ấn Độ. Tượng Phật ngọc đã được đưa đi cung nghinh vòng quanh thế giới nhằm mục đích nguyện cầu cho hòa bình, chúng sinh an lạc.
Tăng ni phật tử và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình làm lễ tôn trí tượng phật.
Tháng 3/2009, tượng Phật ngọc hòa bình thế giới được cung nghinh tại một số chùa ở Việt Nam như chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng), chùa Đại Tòng Lâm (Bà Rịa Vũng Tàu), chùa Phổ Quang, chùa Hoằng Pháp (TP Hồ Chí Minh), chùa Vạn An (Đồng Tháp)...
Năm 2010, cuộc hành trình này đã đi đến 26 thành phố tại Mỹ và 3 tiểu bang của nước Canada; năm 2011 hành trình đến trưng bày tại 5 nước châu Âu. Kể từ đó hàng triệu người trên thế giới đã được chiêm bái tượng Phật ngọc.
Đây là lần thứ 2, Việt Nam là nước được chọn để trưng bày tượng Phật ngọc hòa bình thế giới.
Từ ngày 27/3 đến 5/4 tại chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới được trưng bày để đồng bào, phật tử đến chiêm bái.
Tại lễ trưng bày, Thượng tọa Thích Đức Thiện và Thượng tọa Thích Chân Quang sẽ thuyết pháp vào các buổi chiều ngày 27/3 và 5/4 với chủ đề Phật giáo và hòa bình thế giới; thiền và cuộc sống; lễ thắp nến cầu nguyện quốc thái dân an, hòa bình thế giới.
Chùa Hoằng Phúc, di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi trưng bày tượng Phật ngọc hòa bình thế giới, là một công trình kiến trúc tâm linh, có chiều dài lịch sử hơn 715 năm, tọa lạc trên vùng đất thiêng, nằm bên hữu ngạn sông Kiến Giang, khởi thủy từ am thờ Phật mang tên am Tri Kiến.
Đông đảo nhân dân đến chiêm bái.
Sau đó, chùa có tên là Kính Thiên hoặc chùa Quan. Sử sách ghi lại, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du, ghé qua châu Lâm Bình, đến tu tập tại am thờ Phật mang tên Tri Kiến, nay là chùa Hoằng Phúc (có nghĩa là phúc sâu đậm), ở phường Thuận Trạch.
Hiện tại, chùa còn lưu giữ thờ tượng Quan Thế âm Bồ tát, Địa tạng Vương Bồ tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc và chạm trỗ rất tinh xảo. Điều đặc biệt là Đại hồng chung (chuông lớn) của chùa được đúc vào thời vua Minh Mạng năm thứ 20 (năm 1839) được bảo vệ cho đến ngày nay. Quả chuông có chiều cao toàn bộ là 1,1 m, đường kính 0,5 m. Tai treo chuông được chạm nổi hai con rồng, miệng ngậm ngọc. Thân chuông có khắc tỉ mỉ hoa văn cách điệu và có 4 núm tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; đồng thời khắc 4 chữ hán Hoằng Phúc linh chung.
Chùa Hoằng Phúc còn lưu giữ một báu vật, một minh chứng về sự đa dạng văn hóa, đó là “Cửu long”. Báu vật “Cửu long” có niên đại cùng với chùa Hoằng Phúc, được làm bằng gỗ, chạm khắc liên tiếp 9 con rồng, trong đó có 8 con rồng nhỏ và một con rồng lớn ở phía trên đỉnh...