Điện Kiến Trung là một cung điện của nhà Nguyễn trong Tử Cấm thành, được xây dựng vào khoảng năm 1921 đến 1923 dưới thời vua Khải Định. Đây là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, vua Khải Định và vua Bảo Đại. Ảnh: T.G. Điện Kiến Trung là một trong 5 công trình tiêu biểu và quan trọng bên cạnh điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành và cung Khôn Thái thuộc hệ thống các cung điện triều Nguyễn. Ảnh: T.G. Tuy nhiên, vào năm 1947, công trình bị phá hủy và trở thành phế tích. Đến năm 2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung. Ảnh: T.G. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,5 triệu đô), thực hiện trùng tu, tôn tạo các công trình trong khuôn viên ngôi điện như tường bao nền, hệ thống lan can, tu bổ lầu Kiến Trung, sân Tiền Viên và Hậu Viên, cùng các công trình nhỏ xung quanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh... Ảnh: T.G. Sau gần 5 năm, đến nay công tác trùng tu điện Kiến Trung hoàn thành và sẵn sàng mở cửa đón khách từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: T.G. Hệ thống hoa văn, hình rồng trên điện Kiến Trung được khảm sành rất tinh xảo. Ảnh: T.G. Bên trong điện Kiến Trung. Ảnh: T.G. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, sau nhiều năm trùng tu, vào ngày mùng 1 Tết năm nay, điện Kiến Trung sẽ chính thức mở cửa để phục vụ người dân, du khách tới tham quan quanh năm. Còn riêng điện Thái Hòa sẽ mở cửa tham quan vào mùng 1 Tết đến hết rằm tháng Giêng sau đó tiếp tục hoàn thành việc trùng tu. Ảnh: T.G.