Chiến lược tài chính trong giai đoạn vừa qua và cả thời gian tới sẽ được xây dựng gắn chặt với tình hình kinh tế - xã hội để một mặt tháo gỡ khó khăn cho người dân, mặt khác thúc đẩy tăng trưởng, tăng sức chống chọi cho nền kinh tế. Ngày 16/11, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, quá trình xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có những thay đổi sâu, rộng trên nhiều mặt, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Đây cũng là giai đoạn mà nền tài chính quốc gia phải đối mặt và giải quyết không ít khó khăn do các biến động bất lợi của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.
Giai đoạn 2021 - 2030, nhiều ý kiến nhận định diễn biến tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới và khu vực trong giai đoạn tới sẽ còn phức tạp, khó lường. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng kéo dài nhiều năm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, làm thay đổi cấu trúc, trật tự kinh tế và tổ chức xã hội của nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực...
Ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết, quan điểm của Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đồng bộ, minh bạch và hội nhập là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh. Đồng thời cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Trong giai đoạn này sẽ phải quản lý tài chính bằng pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, tiếp tục hiện đại hóa ngành tài chính.
Vị phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính khẳng định, chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Đồng thời phải thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.