Mặt trận

'Chiến thắng Điện Biên Phủ'- kết tinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Nguyễn Chung - Quang Vinh - Đình Minh 06/04/2024 13:35

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định: Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đã, đang và sẽ làm hết sức mình để nhớ ơn công lao của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… những người đã không tiếc máu, xương, cống hiến cả tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

tri-an-3.jpg
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Chung.

Trong không khí hào hùng, toàn quốc hướng về lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Chương trình gặp mặt tri ân đại biểu thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, địa phương, 163 đại biểu đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, các chiến sỹ đã về tham dự.

tri-an-1.jpg
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, ân cần thăm hỏi các cựu chiến binh tại buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Sau khi bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường khiến cho thực dân Pháp dấn sâu vào thế bị động. Năm 1953, quân viễn chinh Pháp gấp rút điều động các đơn vị cơ động nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ - vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương; với mục tiêu xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất.

Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến của Kế hoạch Na-va. Trước những âm mưu của thực dân Pháp, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Cả một hậu phương rộng lớn của đất nước, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng mới giải phóng ở Thượng Lào, đều dồn sức người, sức của với hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

tri-an-2.jpg
Các đại biểu tham dự tại buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Với tinh thần "cả nước cùng ra trận", 1,2 triệu dân Thanh Hóa đã cung cấp hơn 4.500 tấn gạo; 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại; cấp hơn 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, huy động hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa thồ, 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác trong 3 đợt phục vụ chiến dịch.

tri-an-4.jpg
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cùng các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các bộ, ban, ngành tham dự tại buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Trong những đóng góp to lớn ấy, đã có những người con Thanh Hóa kiên trung và bất khuất, những hành động anh hùng, những tấm gương hy sinh cao cả, cống hiến cho đất nước.

Đó là hình ảnh dân công hỏa tuyến Đới Sỹ Trầu, quê huyện Quảng Xương liên tục gánh đôi bồ nặng 60 kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch. Đó là hình ảnh của bà Hà Thị Dón, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, với thân hình nhỏ nhắn chưa đầy 45 kg, nhưng bằng ý chí và nghị lực đã nâng mức gùi của mình lên 70 kg, đi liên tục trong đêm để sớm đến được địa điểm tập kết...

Đó là hình ảnh đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên như một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới; với những chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc… đã đạt kỷ lục thồ từ 160 kg lên 195 kg, rồi trên 300 kg mỗi chuyến.

Cùng với việc ra sức phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, nhiều con em Thanh Hóa đã tình nguyện nhập ngũ sát cánh cùng cả nước chiến đấu trên các chiến trường. Những người con Thanh Hóa đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công, với nhiều tấm gương sáng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, như: Tô Vĩnh Diện, Trương Công Man, Lò Văn Bường, Trần Đức, Lê Công Khai...

Vị trí, vai trò và đóng góp của Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ xứng đáng với sự khen ngợi, đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".

tri-an-6.jpg
Màn văn nghệ đặc sắc, tái hiện lại thời khắc hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ trong buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm của địch.

Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm Đờ - cát, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương.

tri-an-5.jpg
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đọc diễn văn tại buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Trong diễn văn phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân ta.

Đồng thời, đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, bồi đắp niềm tự hào cho thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ nhằm tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tin, khát vọng cống hiến của mỗi người dân; phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên con đường dẫn đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, MTTQ Việt Nam đã đóng một vai trò hết sức to lớn.

Có thể khẳng định rằng: Tài sản vô giá mà MTTQ Việt Nam tạo ra trong quá trình hoạt động của mình trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chính là đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh vô song.

Sức mạnh đoàn kết của MTTQ không chỉ ở chỗ tập hợp được một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân, mà còn thể hiện ở việc đề ra và vận dụng thành công những sách lược mềm dẻo, linh hoạt nhằm tranh thủ những lực lượng xã hội trong và ngoài nước.

tri-an-8.jpg
Cựu chiến binh Dương Văn Mận tham gia tham luận tại buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Nhớ lại ký ức một thời hào hùng đã qua, cựu chiến binh Dương Văn Mận, (90 tuổi) Tiểu đoàn 188, Trung đoàn 176, Sư Đoàn 316, hiện nay trú tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân chia sẻ: “Sau khi đất nước ca khúc khải hoàn, ra quân về với đời thường, chúng tôi luôn tâm niệm: Mình là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ; thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong công tác.

Chúng tôi cũng tin tưởng và mong rằng: Thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

tri-an-7.jpg
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ân cần gửi tới các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, các vị đại biểu, thân nhân gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... lời thăm hỏi sức khỏe, những tình cảm quý trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời, trân trọng chuyển tới thân nhân gia đình liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến lời thăm hỏi thân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

tri-an-10(1).jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định: “Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đã, đang và sẽ làm hết sức mình để nhớ ơn công lao của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Bằng tất cả những gì có thể làm được để bù đắp một phần sự hy sinh, mất mát của các đồng chí.

Nhưng dù cố gắng đến đâu cũng không thể làm nguôi ngoai được sự mất mát quá lớn do chiến tranh để lại. Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ, nhớ ơn công lao của các bác, các đồng chí”.

tri-an-9(1).jpg
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm hỏi, tặng quà cho các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: Quang Vinh.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã trao các phần quà ý nghĩa, tri ân các đại biểu thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chiến thắng Điện Biên Phủ'- kết tinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO