Một số người bán đã tìm cách “lách luật” để tăng uy tín cho cửa hàng trên Shopee bằng cách kêu gọi việc ấn “thích”, “theo dõi” chéo nhau, thuê đặt các đơn hàng “ảo”, thuê người “đánh giá” sản phẩm, “đánh giá cửa hàng”.
Rầm rộ các chương trình khuyến mại trên Shopee
Với nhiều tiện ích chuyên nghiệp, một bộ phận kinh doanh online trên Facebook cũng đã chuyển hướng, sử dụng các sàn thương mại điện tử làm công cụ kinh doanh. Hiện nay, một trong những sàn thương mại điện tử (TMĐT) được sử dụng nhiều nhất là Shopee bởi sàn TMĐT thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại rầm rộ, đặc biệt là chính sách “áp mã” miễn phí vận chuyển, “áp mã” giảm giá “khủng” để thu hút khách hàng.
Với thao tác đơn giản, mỗi khách hàng khi chọn mua sản phẩm đều có thể “áp mã” miễn phí vận chuyển cho đơn hàng của mình, tiết kiệm phí ship, hoặc nhiều hơn thế là việc “áp mã” khuyến mại giảm giá trực tiếp trên sản phẩm. Khách hàng càng có lợi, đặt càng nhiều đơn hàng thì người mua cũng được “hưởng lợi” theo.
Chính vì vậy, số lượng lớn người kinh doanh online đang “đổ xô” vào lập các cửa hàng trên Shopee. Theo đó, Shopee đã từng bước “thắt chặt” điều kiện áp mã cho từng sản phẩm, từng cửa hàng, ưu tiên những cửa hàng có được nhiều phản hồi tốt của khách hàng và số lượng đơn hàng lớn.
“Lách luật” để được thành “cửa hàng yêu thích”
Chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội với từ khoá “bán hàng trên Shopee” hay “hỗ trợ Shopee”, có thể nhận được hàng nghìn kết quả các trang mạng hoặc nhóm hỗ trợ, chỉ dẫn cách thức để số lượng đơn trong Shopee tăng cao, cửa hàng được đánh giá tốt và được ưu tiên trong các “chiến dịch áp mã”.
Những người có kinh nghiệm còn chia sẻ hướng dẫn chi tiết về cách đăng sản phẩm, cách chạy quảng cáo, cách xây dựng cửa hàng… hỗ trợ người mới bán. Và để trở thành cửa hàng yêu thích và có số lượng đơn lớn trên Shopee thì quả thật người bán cũng mất nhiều công để đầu tư. Nhưng “cái khó nó ló cái khôn”, sẽ không mất nhiều thời gian để trở thành “cửa hàng yêu thích” hay cửa hàng có lượng đơn hàng lớn, một số người bán hàng trên Shopee đã nghĩ ra nhiều cách để “lách luật”.
Đơn thuần nhất, trong nhiều nhóm chuyên trợ giúp bán hàng trên Shopee, những người bán hàng kêu gọi nhau ấn “thích”, “theo dõi” các cửa hàng “chéo nhau”, cùng nhau tăng lượng người theo dõi.
Nhưng “chiêu trò” hơn, nhiều người bán hàng lập ra các nhóm kín để “cùng đặt hộ đơn hàng”, “đánh giá shop” để thu về số lượng đơn hàng cao, nhiều đánh giá tốt. Chỉ cần vào một vài nhóm, chúng ta có thể bắt gặp hàng chục lời chào mời “Mình cần người đặt hộ đơn hàng”, “Mình cần 30 bạn tham gia nhóm đặt đơn hàng”, “Cần các bạn đặt đơn Shopee, có trả giá, đánh giá, 7k/đơn”, “Cần 200 bạn đặt hộ đơn, không bỏ vốm, không nhận hàng”,….
Với việc thuê đặt hộ đơn này, lượng đơn hàng của các cửa hàng tăng rất nhanh, đây là “chỉ số” quyết định để Shopee chấm điểm ưu tiên, đưa các cửa hàng vào danh mục “cửa hàng yêu thích”.
Ảnh hưởng đến khách hàng và lượng người bán hàng “chân chính”
Chia sẻ với phóng viên chúng tôi, chị Thuý Hà (một người bán hàng trên Shopee) cho biết, việc thuê đặt đơn đang tồn tại rất nhiều trên Shopee, đối với người bán hàng có kinh nghiệm trên Shopee hoặc những khách hàng thông thái, việc nhận biết các Shopee đang thực hiện “chiêu trò” này không khó. Bởi các sản phẩm đặt “ảo” sẽ có sự chênh lệch lớn giữa lượt bán và lượt đánh giá, các cửa hàng có thời gian tạo lập ngắn nhưng số lượng đơn hàng, số lượng đánh giá cao đột biến.
Việc số lượng đơn hàng cao, các sản phẩm của cửa hàng sẽ được đẩy lên những trang đầu của việc tìm kiếm hoặc Shopee ưu tiên những sản phẩm đó vào danh mục áp mã giảm giá. Dựa vào đó, các cửa hàng sẽ thu về những đơn hàng thực.
Việc làm này đã và đang ảnh hưởng lớn đến những người đầu tư công sức thật sự để gây dựng cửa hàng trên Shopee. Bởi nếu tuân thủ đúng các quy định, chính sách của Shopee, “gây dựng” một cửa hàng uy tín quả thật sẽ tốn nhiều thời gian, phải chăm chút kĩ càng cho từng sản phẩm, từng đơn hàng,…, theo dõi các chương trình ưu đãi của Shopee để nâng cao lượng đơn hàng, lượng khách hàng theo dõi.
Bên cạnh đó, việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người mua, bởi trên thực tế, nhiều khách hàng đang dựa vào số lượng bán ra của các sản phẩm lấy “cơ sở” đặt mua.
(Còn tiếp)