Người bán hàng áp dụng muôn vàn cách “áp mã” để “thu lời”. Không chỉ đơn thuần là việc tạo sản phẩm đa dạng ngành hàng, thuê cửa hàng cho khách “áp mã”, nhiều người bán hàng còn liên kết đặt “đơn ảo” để “áp mã” nhằm “hưởng lợi” từ các sàn thương mại điện tử.
“Chiến dịch áp mã” của Shopee và một số sàn TMĐT
Mỗi tài khoản Shopee sẽ được số lượng mã vận chuyển miễn phí nhất định trong 1 tháng và được hưởng các mã khuyến mại tuỳ thời điểm. Shopee thường tổ chức các “chiến dịch” “áp mã” giảm giá rất lớn lên tới vài trăm nghìn đồng cho một đơn hàng, đặc biệt là vào các ngày như 8/8, 9/9, 10/10, 11/11, 12/12.
Đúng thời điểm xuất hiện mã, người mua đặt đơn hàng vào điền vào ô khuyến mại mã, đơn hàng sẽ được giảm đúng số tiền trong tương ứng số tiền của mã. Có thời điểm mã giá trị lớn, đơn hàng trị giá 500.000 đ có thể được giảm tới 100.000 đ – 150.000 đ. Nếu “chăm chỉ” theo dõi, “áp mã”, khách hàng có thể tiết kiệm số tiền lớn khi mua sắm những vật dụng cần thiết.
Song song với Shopee, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Tiki,… cũng thực hiện chính sách trên. Tuy nhiên, mỗi sàn thương mại điện tử đẩy mạnh từng dòng sản phẩm và thực hiện cách “áp mã” khác nhau.
Tìm mọi cách để “áp mã” cho khách hàng
Trước đây, khi lượng người bán và người mua chưa cao, điều kiện “áp mã” của các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là Shopee tương đối dễ dàng, mã công khai, áp dụng được với đa dạng ngành hàng, sản phẩm và tồn tại trong khoảng thời gian khá dài để người mua có thể thực hiện việc “áp mã”.
Đến thời điểm hiện tại, với việc “bùng nổ” mua sắm trên các sàn khiến nhiều sàn đã dần “thắt chặt” các điều kiện “áp mã” như ngành hàng, sản phẩm, cửa hàng được áp mã.
Đáng chú ý, thời gian mã tồn tại sẽ tỷ lệ nghịch với giá trị mã, mã khuyến mại càng lớn, thời gian tồn tại càng ngắn, thậm chí, có mã tính theo phút. Chính vì vậy, người bán hàng đã tìm đủ mọi cách “lách luật” để “áp mã” cho khách hàng, thậm chí, thực hiện đặt đơn ảo để “áp mã” kiếm lời.
Người bán hàng “truyền tai” nhau rất nhiều cách để đơn hàng có thể được "áp mã". Phổ biến nhất là việc tạo các sản phẩm thuộc ngành hàng thường được ưu tiên áp mã, sau đó, người bán và người mua “thoả thuận” sản phẩm thực tế. Về phần giá sản phẩm, người bán sẽ mặc định giá cao để có thể được “áp mã” tối đa, sau khi người mua nhận hàng và thanh toán, người bán hàng sẽ chuyển khoản lại phần số tiền dư.
Để đảm bảo thuận lợi và không bị các sàn thương mại điện tử ngăn chặn, việc “thoả thuận” này thường được trao đổi qua Zalo hoặc Facebook. Mỗi người bán hàng cũng tạo riêng một nhóm chia sẻ mã cho khách hàng, thường xuyên cập nhật mã, trao đổi với khách về các sản phẩm đặt mua được áp mã, cách ghi chú đơn hàng để được đóng đúng sản phẩm cần mua và số tiền hoàn trả nếu dư.
Khi việc “áp mã” bị thắt chặt, những cửa hàng không nằm trong danh mục cửa hàng yêu thích hoặc cửa hàng có những sản phẩm bán chạy sẽ không được “áp mã”. Người bán hàng lại tiếp tục “lách luật” bằng cách “thuê cửa hàng”. Có những người đầu tư cửa hàng về lượng đơn, lượng tương tác và chạy quảng cáo để được “áp mã”, họ sẽ cho người bán hàng “thuê”, mỗi người một sản phẩm để áp mã cho khách. Sau khi các đơn hàng hoàn thành, người bán hàng sẽ phải trả một phần phí cho người có cửa hàng cho thuê.
“Áp mã” đơn ảo để “thu lời”
Việc đặt đơn ảo không chỉ đơn thuần diễn ra nhằm tương lượng đơn, tăng tương tác cho cửa hàng, trong số đó, có rất nhiều đơn ảo được “áp mã” để thu lời. Đây là một tình trạng đã tồn tại khá lâu và tiếp tục tiếp diễn ra với số lượng lớn.
Người “đóng vai” người mua sẽ đặt đơn hàng, áp mã, thường sẽ chọn mã có số tiền lớn. Người “đóng vai” người bán sẽ đóng gói đơn hàng, thực chất bên trong sẽ là “giấy vụn” không giá trị. Khi đơn hàng hoàn thành, số tiền thanh toán sẽ được hai bên trao đổi lại, phần tiền mã chính là số tiền “hưởng lợi”.
Làm phép tính đơn giản, nếu chỉ 10 đơn ảo “áp mã” 100.000 đ, những người liên kết với nhau đã có 1.000.000đ. Số đơn ảo “áp mã” càng lớn, số tiền thu về càng nhiều. Đặc biệt, vào những dịp sàn thương mại điện tử tung mã lớn, số lượng đơn ảo “áp mã” sẽ càng nhiều.
Ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng
Chị Thanh Tú (một người thường xuyên mua sắm trên các sàn thương mại điện tử) chia sẻ, chị rất hay chờ các chương trình khuyến mại hoặc “áp mã” của các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là Shopee để mua hàng. Việc này rất có lợi vì mua hàng được giá rẻ hơn, nếu mua nhiều sẽ tiết kiệm được một khoản. Chị cũng biết đến việc nhiều người đã lợi dụng chương trình này để “chuộc lợi” và cho rằng, việc này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người khách hàng như chị. Bởi các sàn thương mại điện tử càng ngày càng “thắt chặt” việc “áp mã” để hạn chế tình trạng trên. Việc “thắt chặt” dẫn đến tình trạng “mã đẹp, ưu đãi lớn thường ra vào giờ đêm khuya và tồn tại thời gian rất ngắn” khiến người mua “khó lòng” áp được mã như mình mong muốn.
Một số người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng bày tỏ sự bức xúc về tình trạng này. Họ khẳng định, việc này khiến những người bán hàng “chân chính” khó “chạy theo” các điều kiện để “áp mã” của sàn, khách hàng thực tế của họ sẽ bị “thiệt”. Điều này sẽ làm giảm doanh thu của họ. Chính vì vậy, họ mong muốn, các sàn thương mại điện tử cần đưa ra những quy định chặt chẽ, có sự kiểm tra nhằm ngăn chặn và hạn chế tình trạng đặt đơn ảo, “áp mã” “hưởng lợi” này để những khách hàng được áp dụng những chương trình khuyến mại một cách dễ dàng, kích cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.
Hết.