Chiêu trò lừa đảo hỗ trợ tiền thất nghiệp: Tỉnh táo trước tin nhắn lạ

NGUYỄN HOÀI 07/12/2021 06:38

Tình trạng lừa đảo để trục lợi tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) trên không gian mạng đang có xu hướng gia tăng. Nhất là những tháng cuối năm, lợi dụng việc ngành BHXH thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhiều đối tượng đã gửi tin nhắn lừa đảo…

“Bốc hơi” hàng trăm triệu đồng trong vài giây

Cuối tháng 11, đúng thời điểm chị Nguyễn Thu N. (cư dân quận Gò Vấp, TP HCM) làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho nhân viên công ty thì chị N. nhận được một tin nhắn từ số máy với nội dung: “Ông (bà) đã đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN. Bấm vào www.vnbomo.icu để lấy. Quá hạn sẽ không được chấp nhận”.

Theo chị N., thông thường chị hay bỏ qua những tin nhắn từ số máy lại. Tuy nhiên, đúng thời điểm chị đang làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho nhân viên công ty nên đã lập tức làm theo hướng dẫn và tiến hành truy cập vào đường link. Đường link này dẫn đến một trang web, có giao diện thiết kế tương tự với ứng dụng “Smart Banking”.

Trang web này yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản để tiến hành các bước tiếp theo. Chị N. cho biết, sau khi đăng nhập, trang web này yêu cầu chị cung cấp mã OTP vừa được tổng đài ngân hàng chuyển về. Không nghi ngờ gì, chị N. nhập mã OTP, ngay sau đó chỉ vài giây, tài khoản của chị bị chuyển đi hơn 600 triệu đồng.

Tương tự chị N., mới đây, chị Minh Thúy (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng nhận được tin nhắn từ người lạ với nội dung đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN, kèm theo đường link đăng nhập. Vì nhẹ dạ cả tin, chị Thúy đã làm theo hướng dẫn từ tin nhắn lạ. Chỉ vài giây sau khi nhập mã OTP, tài khoản của chị đã bị trừ 10 triệu đồng. Biết mình bị lừa, chị Thúy đã liên hệ với ngân hàng và cơ quan công an để báo lại vụ việc.

Thời gian qua, nhiều đối tượng đã gửi tin nhắn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ tài khoản cá nhân người dân.

Theo BHXH Việt Nam, từ thời điểm cuối tháng 10/2021 đến nay, lợi dụng việc ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN, đã xuất hiện nhiều đầu số lừa đảo người dân về việc nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN để chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân của người dân.

Theo phản ánh của người dân, các đầu số: 052…; +84563…; +84528…; +84582… nhắn tin tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ BHTN cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài việc nhắn tin qua tin nhắn SMS, các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin qua mạng xã hội zalo, khi người dân đăng nhập vào các đường link, sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng người dân đang sử dụng, sau đó các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng xuất hiện các số điện thoại có đầu số +4841900.... gọi điện trực tiếp yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN với thủ đoạn hướng dẫn kê khai tài sản và chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng...

BHXH Việt Nam cũng cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng trên, từ đầu tháng 10 đến nay, BHXH Việt Nam liên tục phát các thông tin báo chí cảnh báo về việc này gửi các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải, phát sóng với tần suất và thời lượng lớn để cảnh báo người dân. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có một số người dân mất cảnh giác, truy cập đường link lừa đảo của các tin nhắn nêu trên và bị chiếm đoạt mất hàng trăm triệu đồng.

BHXH Việt khuyến cáo người dân cẩn trọng trước những tin nhắn lạ trên trang website của BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam khuyến cáo người lao động: Không nên tin bất kỳ tin nhắn nào được gửi đến nếu tổng đài gửi không có chữ “BHXHVN” hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như BHXH Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn; cần nâng cao cảnh giác, đồng thời bình tĩnh xác minh, nhận diện, tránh bị lợi dụng đối với các cuộc gọi đến từ các số điện thoại lạ hay các số điện thoại quốc tế tự xưng là cơ quan BHXH.

Tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, về mặt pháp lý, bản chất của hành vi nói trên là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Tiền phân tích, nếu số tiền mà người thực hiện hành vi vi phạm chiếm đoạt từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như: người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này; đã bị kết án về tội này hoặc một số tội phạm xâm phạm sở hữu khác quy định tại Bộ Luật hình sự; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ… người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, căn cứ vào khoản 1 Điều 174 Bộ Luật hình sự. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Tiền nhấn mạnh, nếu hành vi nói trên được thực hiện do lợi dụng thiên tai, dịch bệnh chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, căn cứ khoản 3 Điều này.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nêu quan điểm, về nguyên tắc, mọi chế độ, chính sách liên quan tới tiền nong, người dân phải liên hệ trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền chứ không thể vì một tin nhắn không được xác thực mà đã vội kết nối. Đó là việc làm sai lầm, thiếu hiểu biết.

TS Phong khuyến cáo, người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mật mã… cho người lạ, trên các trang mạng. Khi nhận được bất kỳ tin nhắn của người lạ, nếu không chắc chắn người dân phải có động thái liên lạc, kiểm chứng thông tin với cơ quan có thểm quyền. Khi biết cá nhân bị lừa, người dân cần phải lưu lại mọi bằng chứng, trình báo với cơ quan công an, để họ điều tra, xử lý.

TS Phong cũng nhấn mạnh, vai trò của cơ quan BHXH là rất quan trọng. Cơ quan bảo hiểm phải đưa ra một quy trình chuẩn, đồng thời công khai rộng rãi với người dân các thủ tục, danh sách những người sẽ thực hiện, đặc biệt phải có xác thực giao dịch chứ không chỉ đưa ra những lời cảnh báo chung.

Trước diễn biến mới của các đối tượng, Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) vừa có văn bản đề nghị Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet thông báo đến các thuê bao về các kênh thông tin chính thống của cơ quan BHXH Việt Nam để người dân được biết, tránh bị lừa chiếm đoạt tiền trên tài khoản. Đồng thời, điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi giả mạo cơ quan BHXH; ngăn chặn các ứng dụng, đường link, trang web lừa đảo.

Theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg thời gian nhận hồ sơ nhận hỗ trợ là đến ngày 20/12/2021. Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản chiếm đoạt tiền.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đưa ra nhiều cảnh báo cho người dân. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng như hiện nay, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày một tinh vi hơn. Việc ngăn chặn tội phạm này rất phức tạp. Vì vậy mỗi người dân sử dụng công nghệ thông tin cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm hơn với việc kiểm soát các thông tin chính thống để tránh nguy cơ sập bẫy kẻ lừa đảo.

Khi nhận thông tin liên quan tới chế độ, chính sách, người dân cần phải kiểm tra lại thông tin xem có chính thống hay không. Hơn nữa, bất kỳ yêu cầu gì từ phía người lạ liên quan tới trách nhiệm cá nhân, mật khẩu, bảo mật thông tin, cũng như việc đặt cọc hoặc nộp một số tiền nào đó…, người dân không nên vội vàng cung cấp mà hãy kiểm chứng lại rõ ràng, nếu cảm thấy nghi ngờ thì tuyệt đối không thực hiện.

Bên cạnh đưa ra các lời cảnh báo, cơ quan BHXH cần có trách nhiệm thông tin mạnh mẽ hơn nữa các trang thông tin cũng như có những hình ảnh nhận diện riêng, những đầu số điện thoại chính thống của cơ quan BHXH. Đồng thời, thông tin thường xuyên về những hình thức lừa đảo của đối tượng vi phạm, có những giải pháp bảo mật an ninh theo đặc thù riêng để người lao động biết được, dễ dàng tra cứu, hạn chế những vụ việc như trên.

Luật sư Phạm Quốc Thanh, Văn phòng Luật sư Quốc Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Chung tay đẩy lùi tội phạm trên không gian mạng

Bản chất của việc lừa đảo tiền cá nhân, trục lợi tiền BHTN thông qua tin nhắn chính là nằm ở vấn đề quản lý của nhà mạng viễn thông. Họ hay cung cấp đầu số thuê bao mà hay gọi là sim rác - đây là công cụ phạm tội của kẻ xấu. Các đối tượng này thường dùng đường link, sim rác… để ngụy tạo khiến người dân lầm tưởng là tin nhắn của cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ nữa là liên quan tới vấn đề quản lý của hệ thống ngân hàng. Hiện nay, tất cả tài khoản sử dụng để lừa đảo đều là tài khoản cá nhân, mang tên một ai đó. Mặc dù là tài khoản có thật, nhưng người sử dụng lại là người lừa đảo chứ không phải là người đứng tên tài khoản đó. Điều này dẫn đến khi cơ quan điều tra truy vết ngược lại thì không tìm được người lừa đảo, gây khó khăn trong việc đấu tranh đối với loại tội phạm này.

Để đấu tranh với loại hình tội phạm này, cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền như: các nhà mạng, công an, ngân hàng. Giải pháp đưa ra có thể là một thông tư liên tịch giữa các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, việc quản lý tội phạm trên không gian mạng hiện nay rất khó. Hơn ai hết, người dân cần phải nâng cao nhận thức.

N.Hoài (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiêu trò lừa đảo hỗ trợ tiền thất nghiệp: Tỉnh táo trước tin nhắn lạ