Ngày 24/5, tại thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Tư Nghĩa đã tổ chức buổi đối thoại với người dân xã Nghĩa Kỳ về Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ gây ô nhiễm môi trường.
Quang cảnh đối thoại về Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ.
Tại buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tư Nghĩa đã thông báo về công tác rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất của những hộ dân sống xung quanh khu vực bãi rác, theo đó có 21 hộ dân có khoảng cách dưới 1.000 m tính từ hàng rào Nhà máy đến nhà ở nên đã quyết định di dời các hộ dân này.
Theo báo cáo kết quả xét nghiệm, phân tích, công khai mẫu nước của các hộ dân xung quanh khu vực Nhà máy, kết quả trong 28 mẫu có có 3 mẫu nước đạt quy chuẩn, còn 25 mẫu nước còn lại có từ 1 đến 3 chỉ tiêu không đạt theo yêu cầu.
Ông Trần Bình Minh, trú xã Nghĩa Kỳ đặt vấn đề, những hộ không được tái định cư đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo thì phải chờ đến bao giờ mới có nước sạch để sử dụng?. “Hiện tôi và các hộ dân khác của xã Nghĩa Kỳ chỉ sống cách nghĩa địa của thành phố chỉ vài chục mét nên hàng ngày phải đối mặt với ô nhiễm nguồn nước rất nặng, chính quyền xử lý như thế nào”, ông Minh bức xúc.
Còn ông Trần Hồng, trú xã Nghĩa Kỳ hỏi: “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ chỉ mới hoạt động thử nhưng đã xuất hiện khói đen, mùi hôi thối, vậy khắc phục ra sao? Theo ông Hồng, người dân nơi đây không muốn ngăn cản xe rác, nhưng yêu cầu “chính quyền phải giải quyết thoả đáng những kiến nghị của bà con”.
Khu vực nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ.
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của bà con xã Nghĩa Kỳ, ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho rằng, UBND huyện Tư Nghĩa đã giao các phòng chức năng của huyện kiểm tra, xác định lại số hộ nằm trong phạm vi cách hàng rào Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt dưới 1.000 m.
Theo ông Thành, khu tái định cư dành cho 21 hộ là khu tái định cư khá hoàn chỉnh, người dân yên tâm vào tái định cư. Sau khi tái định cư, diện tích đất vườn cũ của các hộ này chỉ được dùng để sản xuất, không được ở.
“Còn các vấn đề liên quan đến Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ, UBND huyện sẽ ghi nhận và sẽ đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra thẩm định trước khi Nhà máy chính thức hoạt động”, ông Lê Trung Thành nói.
Trước đó, báo Đại Đoàn Kết có bài phản ánh: “Khẩn trương xử lý lượng rác thải tồn đọng tại Quảng Ngãi” số ra ngày 10/7/2018, về việc Những ngày qua, người dân xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi sinh sống chung quanh khu vực bãi xử lý bãi rác thải Nghĩa Kỳ đã chặn không cho xe chở rác vào nhà máy, khiến việc thu gom rác thải ở thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh rác bị ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường. Trước tình trạng này, tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương tìm cách xử lý.