Người Nhật Bản có thể được xem là những người làm việc chăm chỉ nhất thế giới. Nhân công nước này thường ngủ ít trong khi làm việc thêm giờ nhiều hơn ở bất cứ nước nào khác. Văn hóa này phổ biến đến nỗi có hẳn một cụm từ để chỉ hành động làm việc nhiều dẫn đến cái chết: Karoshi.
Tự tử do căng thẳng trong công việc đã trở thành vấn nạn ở Nhật Bản. (Nguồn: Getty).
Sẽ là điều tốt nếu như một ông chủ luôn đề ra một hạn chót cho nhân viên dưới quyền hoặc cắt giảm chi phí, nhưng nó lại tồi tệ nếu như điều đó diễn ra ở một quốc gia đang có tỷ lệ sinh đẻ giảm dần trong khi phần lớn dân số nói rằng họ quá bận rộn và kiệt sức để có thể sinh và nuôi nấng con cái.
Chính vì điều này, giới lãnh đạo Nhật Bản mới đây đã triển khai một chiến dịch mới nhằm kéo những người lao động ở nước này khỏi văn phòng làm việc của họ.
Có tên gọi “Thứ Sáu Đặc biệt”, chiến dịch này khuyến khích các công ty trong nước cho phép nhân viên của họ rời nhiệm sở sớm vào ngày thứ Sáu cuối cùng của một tháng. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang thúc đẩy một biện pháp hạn chế làm việc thêm giờ, trong đó ông nói rằng sẽ tiến hành kiểm tra bất kỳ nhiều công ty.
Tuyên bố này xuất hiện sau khi nước Nhật chứng kiến 2 vụ điều tra đình đám liên quan tới tập đoàn Mitsubishi và Dentsu, cả hai đều bị cáo buộc đã bắt ép nhân công làm quá giờ. Tại Dentsu, một người phụ nữ 24 tuổi đã tự sát sau khi phải làm thêm quá nhiều giờ công.
Nạn nhân là Matsuri Takahashi - một sinh viên mới tốt nghiệp từ một trường đại học hàng đầu Tokyo. Cô đã làm quá 105 tiếng chỉ riêng trong tháng 10/2015. Takahashi đã nhảy lầu tự tử vào đúng ngày Giáng sinh năm 2015. Kết quả điều tra của Văn phòng giám sát tiêu chuẩn lao động Tokyo công bố vào tháng 9/2016 xác nhận vụ tự tử của cô là một trường hợp “Karoshi”.
Ông Tadashi Ishii, Chủ tịch tập đoàn Dentsu, trong tháng 12/2016, đã đưa ra lời xin lỗi vì đã không ngăn chặn được tình trạng làm việc quá sức của các nhân viên đồng thời tuyên bố sẽ từ chức.
Dentsu đang cố xử lý tình trạng làm thêm giờ bằng cách tắt đèn tại trụ sở lúc 22h. Tuy nhiên, công ty này cũng thừa nhận hơn 100 nhân viên vẫn làm ngoài giờ 80 tiếng/tháng.
Mới đây, một người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản nói với hãng tin Bloomberg rằng đất nước họ cần phải “chấm dứt tục lệ làm thêm giờ để người làm có thể cân bằng cuộc sống của họ với nhiều thứ khác, như nuôi dậy một đứa trẻ hay chăm sóc người già”.
Nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản hiện đang đưa ra nhiều ý tưởng mới để giúp nhân viên của họ rời khỏi văn phòng. Được biết người dân nước này rất ít khi làm theo thứ văn hóa có tên làm việc tại nhà, và hiện có khoảng 1/3 các doanh nghiệp lớn ở nước này cho biết họ đang cố gắng tạo điều kiện cho nhân viên được làm việc từ xa mà không cần có mặt tại văn phòng.
Một số công ty, như Yahoo chi nhánh Nhật Bản, đang cân nhắc thiết lập tuần làm việc chỉ có 4 ngày, dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2020.
Một số công ty khác lại khuyến khích nhân viên ngủ chợp nhiều hơn ở ngay bàn làm việc của họ hoặc trong các khu vực nghỉ trưa dành cho nhân viên. Hãng bảo hiểm Japan Post Insurance mới đây còn đưa ra một giải pháp rất thông minh, đó là tắt hết đèn tại các trụ sở làm việc của họ vào lúc 19h20 để buộc nhân viên phải về nhà bằng không sẽ phải làm việc trong bóng tối.
Giới chức Nhật Bản hy vọng rằng các nỗ lực của họ có thể giúp hình thành nên một văn hóa mới, khi mà người lao động không còn cảm thấy bị áp lực khi phải làm việc suốt nhiều giờ liền hay cảm thấy rất tội lỗi khi đi ra ngoài thụ hưởng cuộc sống nữa.
Một nhân viên văn phòng, Eriki Sekiguchi, nói với hãng tin AP rằng cô đã bỏ ra 14 giờ mỗi ngày tại chỗ làm và từ bỏ hết các kỳ nghỉ lễ mà cô được công ty cho phép để làm thêm giờ.
“Ở chỗ tôi, không có ai đi nghỉ lễ cả” - Sekiguchi nói - “Nên tôi cũng làm điều tương tự”.
Hiroyuki Fujimura, một Giáo sư ngành quản lý tịa đại học Hosei, cho hay những người lao động lớn tuổi thường xem làm thêm giờ là một điều tốt, là hành động cho thấy sự chăm chỉ, là tiêu chuẩn đánh giá một con người có kỷ luật. Tuy nhiên, ông cho rằng suy nghĩ này cũng đang dần thay đổi.
“Những người thuộc thế hệ trẻ ngày nay không còn xem làm việc suốt nhiều giờ là điều tốt nữa” - ông Fujimura nói.
Được biết, ở Nhật Bản, mối năm có hàng trăm người chết vì các chứng bệnh về tim, đột quỵ hoặc các chứng bệnh gây nên do làm việc quá căng thẳng.
Các vụ tự tử liên quan tới công việc đã tăng 45% trong vòng 4 năm trở lại đây, chủ yếu ở độ tuổi dưới 29. Ở Tokyo, từng có trường hợp một người đàn ông tự treo cổ sau khi làm thêm tới hơn 200 giờ đồng hồ trong một tháng, và kéo dài suốt 7 tháng như vậy.