Một tuần nữa đã khép lại trong hỗn loạn tại Washington, khi mà Nhà Trắng dường như đang mất kiểm soát trong vụ tranh cãi liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và hàng loạt những lời cáo buộc khác cho rằng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump có liên hệ với Điện Kremlin.
Sau thất bại khi muốn hủy bỏ đạo luật Obamacare, Tổng thống Donald Trump
tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. (Nguồn: Reuters).
Trong tuần qua, đội ngũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên làm gia tăng căng thẳng trong các vụ việc liên quan tới họ hơn là giảm thang chúng. Đó dường như là một phần của chiến lược mạnh miệng, khiến cho chính quyền Trump ngày càng phải đối mặt với các thách thức nhiều hơn.
Cuối tuần qua, Tổng thống Trump đã thêm căng thẳng cho những tranh cãi liên quan tới Nga can thiệp bầu cử bằng một đoạn bình luận gây sốc trên Twitter, trong đó nhắc tới vị Cố vấn An ninh Quốc gia đã từ chức của ông, Michael Flynn - người đang muốn khai đoạn hội thoại giữa ông này và Đại sứ Nga hồi năm ngoái để đổi lấy quyền miền khởi tố. Ông Trump cũng đang khơi dậy một cuộc chiến khác với nhóm bảo thủ Freedom Caucus ở Hạ viện, nhóm đã đóng vai trò không nhỏ khiến ông thất bại trong việc thông qua dự luật gỡ bỏ đạo luật Obamacare mới đây.
Ở nước ngoài, tâm lý của cộng đồng quốc tế kể từ sau khi ông Trump nhận chức cũng đang có dấu hiệu nóng lên. Mối quan hệ với Moscow đang lạnh nhạt dần, trong khi ông Trump cũng cảnh báo rằng, cuộc họp thượng đỉnh tổ chức trong tuần tới giữa ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ là một cuộc họp chông gai.
“Cuộc họp trong tuần tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn, chúng ta không thể có mức thâm hụt thương mại lớn như thế này được” - ông Trump viết trên Twitter.
Diễn biến chóng mặt
Hàng loạt các diễn biến mới đầy bất ổn đã diễn ra với chính quyền Tổng thống Trump trong tuần qua, mà trong đó đáng chú ý nhất chính là sự việc liên quan tới cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn. Việc một vị cựu cố vấn đang yêu cầu quyền miễn trừ khởi tố trong một vụ bê bối xảy ra chưa đầy 100 ngày chính quyền mới hoạt động là điều chưa từng có tiền lệ.
Thêm vào đó, ông Flynn còn là mối đe dọa với chính quyền Trump sau khi tuyên bố rằng sẽ khai về cuộc điện đàm giữa ông và Đại sứ Nga hồi năm ngoái để đổi lấy quyền miễn trừ khởi tố. Sau khi hay tin, Tổng thống Trump đã đưa ra bình luận riêng của mình.
“Mike Flynn nên yêu cầu nhận quyền miễn trừ trong cuộc săn phù thủy được khởi xướng bởi đảng Dân chủ và giới truyền thông Mỹ” - ông Trump viết trên Twitter.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng chính quyền Obama mới chính là bên cần phải bị điều tra. Vị quan chức còn dẫn một số bài viết từ tờ New York Times số ra ngày 1-3, trong đó nói rằng vào thời điểm gần kết thúc chính quyền Obama, một số quan chức đã phát tán thông tin về việc Nga can thiệp bầu cử - về khả năng có mối liên hệ giữa các cố vấn của Trump và quan chức Nga. Theo bài viết này, mục đích của hành động trên là nhằm reo rắc chứng cứ giả cho các nhà điều tra.
Đấu đá nội bộ
Ngoài ra, Nhà Trắng còn đang phải vất vả chống đỡ trong một cuộc chiến chính trị trong nội bộ, khi mà các đảng viên Cộng hòa có tư tưởng bảo thủ - thuộc nhóm Freedom Caucus - mới đây đã góp phần gây nên thất bại của Tổng thống Trump trong việc thông qua dự luật gỡ bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare.
“Nếu như Mark Meadows, Jim Jordan và Raul Labrador cùng chung chí hướng thì chúng ta đã có một đạo luật chăm sóc sức khỏe vĩ đại và cả cải cách giảm thuế rồi” - Tổng thống Trump viết trewen Twitter, nói về một số thành viên thuộc Freedom Caucus đã chống lại ông.
Ngược lại, một thành viên kỳ cựu của nhóm Freedom Caucus tại Hạ viện cũng lên tiếng cảnh báo ông Trump.
“Tôi hy vọng Tổng thống sẽ nhớ rằng Freedom Caucus là nhóm cung cấp sự ủng hộ mà ông ấy cần liên quan tới các vấn đề như an ninh biên giới, các thỏa thuận thương mại…” - Nghị sỹ Mo Brooks cho hay.
Chính sách ngoại giao
Trong khi ông Trump có vô số rắc rối trong nước, thì các mối đe dọa ở nước ngoài cũng bắt đầu trỗi dậy. Trong bối cảnh xuất hiện hàng loạt cáo buộc chính quyền Mỹ có mối liên hệ mập mờ với Nga, rõ ràng Tổng thống Trump hiện nay khó có thể khởi động mối quan hệ tốt đẹp với Moscow. Thực tế cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc đang trở nên tồi tệ hơn.
Cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson, những người được ông Trump lựa chọn, đều đã lên tiếng chỉ trích sự can thiệp của Nga trong khủng hoảng Ukraine hồi tuần qua, trong các chuyến công du nước ngoài của họ. Ông Mattis thậm chí còn nói rằng chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin là đang “phá rối” các cuộc bầu cử của nước khác.
Thêm phần căng thẳng hơn cho bầu không khí giữa Nga và Mỹ, ông Alexey Pushkov, một nhà lập pháp kỳ cựu của Nga viết trên Twitter rằng: “Chính quyền mới của Mỹ dường như cũng giống chính quyền cũ - ông Mattis không khác gì cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, và Tillerson thì đang nói về “sự hung hăng của Nga””.