Một trong những ngành nghề thu hút nhiều lao động tự do lựa chọn nhất hiện nay là nghề lái xe công nghệ. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của nhóm lao động này đang tạo ra khoảng trống trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Khó tiếp cận các gói an sinh
Ba năm làm lái xe công nghệ toàn thời gian, dù biết công việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng để có mức thu nhập trang trải cuộc sống, chị Phạm Thị Phương (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thường xuyên làm việc hơn 10 tiếng ngoài đường, có tháng không nghỉ ngày nào.
Chị Ngà cho biết: “Tôi thường làm đến hơn 10h đêm mới về. Thế nên, những rủi ro, tai nạn trên đường không thể nói trước. Để tự bảo vệ mình, tôi đã tự mua BHYT để được hưởng sự hỗ trợ nếu không may bị ốm đau, bệnh tật, nhưng chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội”.
Cũng như chị Phương, chị Nguyễn Thị Nhung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gia nhập đội ngũ lái xe Grab được hai năm nay. Theo chị Nhung, nghề chạy xe công nghệ không mất vốn như mở cửa hàng, thay vào đó là bỏ ra công sức. Ngày nào cao điểm, làm việc hết công suất, chị Nhung kiếm được 400-500 nghìn đồng.
Tuy nhiên, dịch bệnh liên tục kéo dài khiến thu nhập chị Nhung cũng như nhiều lái xe công nghệ khác gặp bấp bênh. Trong khi đó, chị cũng không có bất cứ nguồn hỗ trợ nào khác. Chị Nhung cho biết: “Những lúc bình thường không sao nhưng khi ốm đau hay tôi nghỉ thai sản cũng không có hỗ trợ nào”.
Công việc phải đánh đổi thời gian, sức khỏe nhưng đối tượng lái xe công nghệ hiện nay đang gặp khó khi tiếp cận các gói an sinh.
Anh Nguyễn Gia Minh (lái xe công nghệ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Nghề lái xe công nghệ như chúng tôi rất ít được quan tâm nên chúng tôi rất khó khăn. Nhất là mấy tháng trời, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi không có công ăn việc làm. Thời điểm đó thực sự khó khăn lại càng khó khăn hơn”.
Có thể thấy, trong xu hướng hiện nay, một trong những ngành nghề lao động tự do phổ biến, dễ kiếm việc, đem lại thu nhập đang thu hút nhiều người di cư lựa chọn ở Hà Nội và các thành phố lớn là nghề lái xe công nghệ.
Chỉ riêng Công ty TNHH Grab, theo số liệu thống kê của hãng này, cả nước có khoảng 200.000 lái xe là đối tác của Grab, cả xe máy và ô tô. Trong đó, phần lớn tài xế thuộc độ tuổi 25-35 tuổi. Khoảng gần một nửa số này làm việc tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, 50% trong số họ là người từ các tỉnh khác đến TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; 95% làm việc cả ngày từ 6 đến 12 tiếng.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng nhóm lao động này đang tạo ra một số hạn chế trong việc tiếp cận chính sách an sinh xã hội đối với đối tượng lao động tự do.
Khoảng trống lớn về pháp lý
Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện các lái xe công nghệ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc do chỉ có hợp đồng đối tác với các đơn vị cung cấp ứng dụng, không phải hợp đồng lao động.
“Nếu người lao động được quan tâm thì người ký hợp đồng với họ có thể đứng lên đóng BHXH cho đối tượng này. Nhưng trên thực tế hiện nay chưa có. Vì vậy, nếu đối tượng lao động này muốn đảm bảo cuộc sống lâu dài, đặc biệt đến hết độ tuổi lao động, họ chỉ có thể thao gia bảo hiểm tự nguyện”, ông Văn Anh cho biết.
Theo khảo sát, phần lớn lái xe công nghệ hiện nay ở độ tuổi 25 - 35 tuổi. Mức độ tiếp cận các chính sách như BHXH tự nguyện hiện vẫn rất thấp, chỉ dưới 10%.
Trong khi đó, do tính linh hoạt, chủ động về thời gian, tình trạng làm việc nhiều giờ/ngày, vượt quá quy định về số giờ làm việc trong tháng theo Bộ Luật Lao động là khá phổ biến. Thời gian làm việc trung bình là 11 giờ/ngày và 28 ngày/tháng.
TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn phát triển (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) nhận định, so sánh với giới hạn pháp lý về số giờ làm việc của Bộ luật Lao động năm 2019 thì số giờ làm việc trung bình một ngày của tài xế gần ở ngưỡng giới hạn tối đa 12 giờ/ngày. Đáng chú ý, có đến gần 23% tài xế xe ôm công nghệ chạy xe ban đêm, khung giờ từ 10h đêm hôm nay đến 6h sáng hôm sau.
Theo TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, vẫn còn khoảng trống lớn về pháp luật khi tài xế xe công nghệ không được bảo vệ bởi Bộ Luật Lao động về ngày nghỉ có lương, kể cả nghỉ vì công việc như sửa xe, bảo trì xe, hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn. Ở khía cạnh giới, với tài xế nữ, còn thêm nỗi lo khác là bị quấy rối, xâm hại tình dục…
Nguyên nhân chính ở đây là các tài xế xe công nghệ đang ký là hợp đồng đối tác, không phải hợp đồng lao động. Do đó, quan hệ lao động nằm ngoài khuôn khổ Bộ Luật Lao động điều chỉnh.
Bên cạnh đó, cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động này. Vì vậy, lái xe công nghệ không được hưởng chế độ BHYT, BHXH bắt buộc dành cho người ký hợp đồng lao động, không có các chế độ phúc lợi xã hội nào khác.