Từ giám sát, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, vướng mắc nhất vẫn là liên quan đến giải quyết chính sách cho cán bộ sau sắp xếp.
Ngày 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực bày tỏ quan điểm đồng tình và cho biết, Mặt trận nhận thấy, vấn đề giám sát rất đúng hướng và sát thực tế.
“Thực hiện tốt sẽ góp phần vào việc tạo sự thống nhất cao đồng thuận trong nhân dân”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chỉ rõ.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, bây giờ đánh giá hiệu quả ngay việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là còn sớm. Bởi muốn chứng minh việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiệu quả đến đâu cần có thêm thời gian.
“Vì có nội dung rõ ngay từ đầu vì cán bộ mới khi được bố trí có quyết tâm rất cao, bắt tay ngay vào việc. Cán bộ làm tốt thì dân cũng được nhờ. Nhưng để chứng minh hiệu quả sau khi sáp nhập hiệu quả hơn so với ban đầu như thế nào thì còn phải quá trình nữa”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phân tích.
Qua quá trình giám sát, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, còn “vài vấn đề nổi lên” và cần tiếp tục làm sâu thêm.
Thứ nhất, cái vướng mắc nhất vẫn là liên quan đến giải quyết chính sách cho cán bộ. Sáp nhập phải quyết tâm rất cao từ cấp tỉnh, cấp huyện, sự thuận giữa cấp ủy 2 xã. Khi sáp nhập 2 xã vào 1 thì cấp ủy 2 xã phải đồng tình. Và việc giải quyết chính sách cho cán bộ là rất quan trọng, tạo ổn định lâu dài.
Do đó ngay khi có Đề án ban đầu, Mặt trận đã đề xuất với Bộ Nội vụ phải quan tâm tới nội dung này.
“Tuy nhiên bây giờ giữa các tỉnh thì có tỉnh có, có tỉnh không tạo ra tâm trạng đối với những người được sắp xếp trong chuyển từ việc này sang việc kia, hay người nghỉ hưu. Cho nên rất cần phải có một chính sách để làm sao người nào được chuyển sang đóng bảo hiểm sang lĩnh vực khác, người nào được nghỉ hưu trước. Vì Nghị định 108 chưa giải quyết được hết tất cả nội dung này. Chính sách đối với cán bộ sau sắp xếp rất quan trọng. Và đây là vấn đề các cơ quan chức năng và các cơ quan chuyên môn phải có ý kiến sâu hơn”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho hay.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, trong việc sắp xếp phải quan tâm đến vấn đề thủ tục hành chính khi 2 xã nhập lại thành 1 thì trụ sở của xã mới ở địa bàn xa hơn nên phải khắc phục nhiều hướng.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực kiến nghị cần đẩy mạnh dịch vụ công, nhất là đối với vùng miền núi. Bởi vùng này ứng dụng khó hơn. Đồng thời, những dịch vụ này phải đưa về gần với dân hơn, tức là về với khu dân cư.
“Một số nơi như Hà Tĩnh tại một số địa bàn đã phát huy đưa về khu dân cư, nhà văn hóa. Nếu ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh kỹ thuật số, Chính phủ số mà những nội dung này được đẩy mạnh, ứng dụng ngay tại những xã được sáp nhập thì sẽ chứng minh được sự ưu việt trong sáp nhập, tránh việc người dân, nhất là người dân ở vùng miền núi lại phải đi xa hơn khi đi làm thủ tục hành chính”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, trong sắp xếp xử lý chế độ cho cán bộ dôi dư thì các địa phương hay “nhìn nhau”.
Chỗ cao chỗ thấp sẽ dẫn đến tâm tư của cán bộ. Anh này 200 triệu, anh này 250 triệu sẽ dẫn đến tâm tư. Cho nên các địa phương cần có sự “phối hợp” với nhau.