'Chính sách cứng' không có lợi cho công nghiệp điện ảnh

Thành Luân 04/12/2015 08:20

Theo các nhà làm phim quốc tế, Việt Nam nên ít can thiệp bằng các “chính sách cứng” vào ngành công nghiệp điện ảnh thay vào đó là các giải pháp mềm, tăng chính sách hỗ trợ, khích lệ, thu hút đầu tư… nếu muốn ngành này đem lại doanh thu lớn hơn, cũng như vươn tầm ảnh hưởng xa hơn đối với khu vực và quốc tế.

'Chính sách cứng' không có lợi cho công nghiệp điện ảnh

TS Martin Smith chia sẻ tại hội thảo.

Ngày 3/12 tại TP HCM, Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND TP HCM tổ chức hội thảo chuyên đề “Chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh trong xu hướng toàn cầu hóa” để bàn các giải pháp dài hạn phát triển nền điện ảnh nước nhà, tầm nhìn đến 2030.

Hội thảo được tổ chức tiếp sau hội thảo chuyên đề “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam” vào ngày 2/12, với các ý kiến từ nhiều phía về thực trạng của nền công nghiệp điện ảnh nước nhà từ thời kỳ mở cửa cho đến nay.

Theo bà Nguyễn Phương Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL), với hội thảo chuyên đề về “Chính sách hỗ trợ và biện pháp ưu đãi nhằm phát triển nền công nghiệp điện ảnh trong xu hướng toàn cầu hóa” thì Bộ VH-TT&DL Việt Nam sẽ tiến thêm một bước đổi mới tư duy làm chính sách để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam đủ sức cạnh tranh và vươn tới xuất khẩu vào các thị trường điện ảnh phát triển của Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, thậm chí là Hollywood.

Bà Susan Lee - Hiệp hội Điện ảnh quốc tế châu Á- Thái Bình Dương cho rằng, có 4 yếu tố quan trọng của một nền công nghiệp điện ảnh và truyền hình phát triển, gồm: hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ và thực thi hiệu quả; khuyến khích sản xuất và các ưu đãi thuế; giá trị của nhận thức công nghiệp sáng tạo và mở rộng thị trường và tạo môi trường đầu tư thân thiện.

Theo bà Susan Lee, hiện nay nhiều nước, kể cả Hàn Quốc thường ưu tiên các chính sách mềm, nghĩa là tăng thêm các ưu đãi về thuế, điều kiện sản xuất phim cho khu vực tư nhân để tạo một nền công nghiệp điện ảnh bền vững theo thời gian. Chẳng hạn như các chính sách tạo việc làm (cho đạo diễn, diễn viên, những người làm nghề điện ảnh); tăng lượng khách du lịch; phát triển hạ tầng cơ sở cho công nghiệp điện ảnh; thu hút các hoạt động sản xuất phim…

Chuyên gia đến từ Hiệp hội Điện ảnh quốc tế châu Á - Thái Bình Dương dẫn chứng các phim bom tấn chiếu tại Stokholm (Thụy Điển) tạo ra doanh thu khổng lồ hơn 100 triệu Euro; 3 tập phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” đã tạo ra được 42 triệu USD cho công nghiệp điện ảnh của Newzeland hay tại Bắc Califonia (Mỹ) cũng tăng 25% khách đến Chimney Rock Park trong năm ra mắt bộ phim “The last of the Mohicans”.

Một đạo diễn người Mỹ ước tính các ưu đãi cho sản xuất phim tại nước này đang được áp dụng tại 38 bang để thu hút hoạt động sản xuất phim. Chẳng hạn, tín dụng thuế cho nhà đầu tư sản xuất phim của Louisiana cho phép chuyển đến 30% tiền thuế trên tổng chi phí sản xuất phim có chất lượng cao tại địa phương, bao gồm cả việc thuê lao động là người địa phương và lao động ngoài địa phương. Nhờ chính sách này mà trong tài khóa 2016 - 2018, các nhà phân tích điện ảnh của Mỹ dự báo số lượng tín dụng tối đa khai báo cho từng năm có thể đạt đến 180 triệu USD.

Ông Yun Ha - Giám đốc Nhóm phát triển Dự án mới của Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc lấy dẫn chứng thị trường điện ảnh Hàn Quốc theo tổng thu phòng vé xếp hạng 6 trên thế giới vào năm 2014. Trong khi ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể cả về số lượng và chất lượng trong suốt thập kỷ qua. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là một cơ quan đặc biệt trực thuộc Bộ VH-TT&DL Hàn Quốc hỗ trợ sự phát triển và quảng bá phim Hàn Quốc từ những năm 1973, trong đó đặc biệt quan trọng là ưu tiên về chính sách điện ảnh và hoạt động mở rộng sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo chuyên gia này, Hàn Quốc có một quỹ gọi là Quỹ đầu tư điện ảnh Hàn Quốc với các mục tiêu đặc biệt, như Quỹ nội dung toàn cầu, Quỹ Điện ảnh độc lập, Quỹ phát triển kịch bản,… Chính bởi vậy, hội chứng “phim Hàn Quốc” trong nhiều thập kỷ đã thống lĩnh thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm cho điện ảnh Việt Nam, TS Martin Smith - cố vấn đặc biệt Hãng phim Ingenious cho biết, điện ảnh Anh quốc có 3 dạng thức can thiệp bằng chính sách gồm bảo hộ trực tiếp (quỹ điện ảnh quốc gia và địa phương; Đồng sản xuất phim quốc tế); Đóng góp bắt buộc (các đài phát sóng; hệ thống truyền hình giải trí) và các biện pháp khuyến khích nhà đầu tư (hỗ trợ tài chính gián tiếp thông qua ưu đãi về tài chính; các chính sách hoàn thuế và tín dụng thuế.

TS Martin Smith chia sẻ, nhờ các chính sách mềm đối với ngành công nghiệp điện ảnh mà năm 2015 thì Vương quốc Anh đã trỡ thành thị trường phim ảnh lớn thứ 3 thế giới.

Ghi nhận các góp ý của các nhà làm phim, chuyên gia phân tích điện ảnh quốc tế, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh: Chính sách hỗ trợ và ưu đãi sản xuất, phát hành phim được nhiều nước sử dụng cho thấy tư duy mới nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo nghệ thuật điện ảnh, thu hút các hoạt động sản xuất phim, cũng như hỗ trợ việc phân phối, quảng bá phim trước tác động của quá trình toàn cầu.

Thứ trưởng Vương Duy Biên chia sẻ, điện ảnh Việt Nam được Nhà nước quan tâm và thu hút thông qua hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Sau hơn 6 thập kỷ hình thành và phát triển, gắn với nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc cho đến nay điện ảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội đổi mới, sáng tạo tư duy phát triển để hội nhập, từng bước trở thành nền điện ảnh mạnh trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

“Các chính sách mềm, đặc biệt là các biện pháp ưu đãi phát triển điện ảnh của Đan Mạch, Anh quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Philippines, Canada… sẽ góp ý hữu ích cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam có thể xây dựng và triển khai các biện pháp cụ thể, hiện thực hóa các mục tiêu chính sách đề ra trong tầm nhìn dài hạn”, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chính sách cứng' không có lợi cho công nghiệp điện ảnh