Nhằm giảm gánh nặng cũng như chia sẻ khó khăn với phụ huynh và sinh viên, nhiều trường đại học đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, không tăng và hỗ trợ một phần học phí cho sinh viên, học viên.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có đề xuất tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên từ 2,5 triệu đồng/tháng lên thành 4 triệu đồng/ tháng.
Theo Bộ Tài chính, Quyết định 157/2007 đã trải qua hơn 14 năm thực hiện. Quá trình triển khai chính sách có một số phát sinh, vướng mắc cần thay đổi cho phù hợp. Điển hình là quy định học sinh, sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập mới trả nợ nên phụ thuộc vào tự kê khai của người vay và gia đình. Hạn mức vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp, chỉ đủ trả học phí không thể kham thêm nổi chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Mặt khác, theo khảo sát của Bộ GD&ĐT mức chi phí học tập (học phí và chi phí sinh hoạt) của một học sinh, sinh viên hiện tối thiểu rơi vào khoảng 6,5- 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất). Do đó, mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập.
Trên cơ sở đó, hai bộ kiến nghị Chính phủ tăng mức vay cho học sinh, sinh viên lên mức 4 triệu đồng/tháng (bằng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của học sinh, sinh viên).
Theo TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, nếu đề xuất trên của Bộ Tài chính được thông qua sẽ tháo gỡ và chia sẻ rất nhiều cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi con đường học tập.
“Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007 lần này, đối tượng được vay cũng đã được mở rộng hơn. Ngoài đối tượng vay là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ gặp tai nạn, thiên tai, dịch hoạ trong thời gian đang đi học, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung thêm nhóm học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo chuẩn quy định của pháp luật).
Đây là tín hiệu rất vui mừng với không ít phụ huynh khó khăn có con đang theo học ĐH-CĐ ở các đô thị lớn. Mức vay trên sẽ giúp giảm áp lực tài chính hàng tháng cho phụ huynh, tạo điều kiện cho sinh viên yên tâm học tập, ra trường để thực hiện nghĩa vụ trả nợ”, TS Lê Lâm cho biết thêm.
Tiên phong trong chính sách miễn giảm và giữ nguyên mức học phí là Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (HUFI). Theo PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Nhà trường, HUFI quyết định giảm 5% học phí học kỳ I năm học 2021-2022 với toàn bộ sinh viên đang theo học.
Cụ thể, trong năm học 2021-2022, ngoài việc giảm 5% học phí học kỳ I cho sinh viên, nhà trường sẽ chi gói hỗ trợ hơn 30,6 tỷ đồng cho các quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên của trường.
“Theo lộ trình, năm học 2021-2022 nhà trường sẽ tăng học phí 5% so với năm học trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều gia đình sinh viên gặp khó khăn. Để đồng hành và hỗ trợ sinh viên, Trường quyết định giữ học phí khóa tuyển mới năm 2021 như năm trước. Tổng kinh phí dành hỗ trợ giảm học phí cho sinh viên trong đợt này khoảng 10 tỷ đồng”, PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết.
ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Đại học Sư phạm cho biết, hiện trường đang hỗ trợ học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi đang theo học, đồng thời hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường, theo quy định.
Đối với các ngành ngoài Sư phạm, học phí có 2 mức (khối ngành tự nhiên và khối ngành xã hội), trung bình khoảng 5 - 6 triệu đồng/học kỳ, tùy theo khối ngành đào tạo. Những năm học tiếp theo, tùy theo thực tế, mức học phí sẽ được xác định lại trên cơ sở học phí của năm 2021 nhưng mức tăng cũng sẽ không quá 10%.
Theo TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đại dịch Covid-19 khiến nhiều sinh viên và gia đình bị ảnh hưởng, nhằm hỗ trợ, động viên các em, Ban giám hiệu nhà trường quyết định hỗ trợ mỗi sinh viên học online 1 triệu đồng (trừ vào tiền học phí). Mức hỗ trợ áp dụng cho tất cả sinh viên chính quy học online tại thời điểm ngày 31/5, không tính những sinh viên đang tạm dừng học. Tổng trị giá hỗ trợ sinh viên đợt này là khoảng 23 tỷ đồng.
Trường ĐH Thương mại đã gửi tới sinh viên toàn trường về chính sách hỗ trợ tài chính đối với sinh viên do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, trong năm học 2020 - 2021, nhà trường quyết định giảm 7% học phí và hỗ trợ chi phí 4G trong suốt thời gian sinh viên học online. Căn cứ số lượng tín chỉ, học phí và phí 4G sẽ được chuyển tới tài khoản của sinh viên. Được biết, học phí hiện nay của trường ĐH Thương mại là 496.000 đồng/tín chỉ.